Soạn giả Ngô Hồng khanh được giới mộ điệu biết đến là một “cây đại thụ” trong nghệ thuật sáng tác bài bản tài tử và Cải lương Nam bộ. Hơn nửa thế kỷ bền bỉ sáng tác, vị soạn giả đã cho ra đời khoảng 1000 tác phẩm cổ nhạc với các nội dung sáng tác phong phú, gắn liền với hơi thở cuộc sống. Nhiều sáng tác đã ăn sâu vào lời ca tiếng hát hàng ngày của cộng đồng yêu mến âm nhạc tài tử của dân tộc.
Chân dụng soạn giả Ngô Hồng Khanh
Một lần chúng tôi gặp ông tại nhà riêng ở quận 9, Tp. Hồ Chí Minh, đang lúc trò chuyện thì có người gọi điện thoại đến soạn giả. Hỏi ra mới biết, ông là Lê Văn Xứng sống ở Tp. Đà Nẵng, yêu thích các sáng tác của soạn giả Ngô Hồng Khanh hơn 30 năm nay, đã sưu tầm và học thuộc được mấy chục bài hát của tác giả. Ông cảm nhận rằng các sáng tác của tác giả rất gần gũi, dễ đi vào lòng người. Và vị khán giả này mong muốn sẽ có dịp được gặp gỡ và hát giao lưu cùng với tác giả mà mình hằng mến mộ.
Còn đối với soạn giả Ngô Hồng Khanh thì đó là niềm vui giản dị và là nguồn động lực để ông cầm bút miệt mài sáng tác đến bây giờ.
Soạn giả Ngô Hồng Khanh kể lại, từ lúc còn rất nhỏ ông đã thuộc nằm lòng cái chữ hò - xự - sang – xê - cống trong nhạc tài tử và biết hát những bài bản ngắn. Thậm chí ông đang vừa hát đi qua cầu khỉ có lỡ bị té xuống sông nhưng câu hát vẫn còn trên môi. Lớn lên, ông đi học trung học ở Vĩnh Long, đến cuối tuần lại về quê ở Tiền Giang và gia nhập vào ban tài tử của các người cậu của ông, đi hát chỗ này chỗ nọ. Các bản nhạc tài tử, Cải lương thấm dần vào máu và tâm hồn ông một cách tự nhiên như thế.
Soạn giả Ngô Hồng Khanh trong một lần đi sáng tác ở núi Thất Sơn, An Giang năm 1978
Soạn giả Ngô Hồng Khanh làm Trưởng ban giám khảo giải Bông Lúa Vàng năm 2015
Sau đó, ông tham gia kháng chiến và hoạt động văn nghệ ở đoàn Văn công quân giải phóng miền Nam. Cũng trong thời gian này, ông bắt đầu sáng tác các bài bản vọng cổ, kịch bản Cải lương. Người soạn giả trực tiếp chứng kiến những mất mát, hi sinh, chứng kiến bom rơi pháo dội trên chiến hào, đã xúc cảm và thôi thúc mình sáng tác. Ông liên tục cho ra những tác phẩm đầy ấp chất lượng, phản ánh cuộc kháng chiến, ca ngợi tình đồng đội, quê hương đất nước. Chính trong thời gian này, những tác phẩm ghi dấu ấn trong lòng khán giả được ông cho ra đời, như: Đêm vành đai nhớ chị (1970), Quyết giữ màu xanh quê mẹ (1970), Bông súng trắng (1972), Vui bước chân ta (1972), Cung đàn mới (1975),…
Trong đó, bài ca “Quyết giữ màu xanh quê mẹ” được nhiều người khen ngợi và yêu thích, có tính cổ vũ cao, được phát đi phát lại trên nhiều đài phát thanh với nhiều giọng ca nổi tiếng khi đó, là bước khẳng định trên con đường sáng tác của soạn giả. Sau này, ông lại có điều kiện đi được nhiều nơi trên mọi miền của tổ quốc, và những sáng tác lại tiếp tục ra đời. Trong đó, về thể loại bài ca, có: Lời người hát rong (1982), Đêm quan họ (1994), Chiều sông Lô (1997), Vầng trăng rêu phong (1996) và những kịch bản Cải lương nổi tiếng như: Loài hoa không tên (1993), Dòng sông đỏ (1999), Rừng xưa (2003),… Nghệ sĩ ưu tú Phượng Loan đoạt huy chương vàng ở Hội diễn Sân khấu chuyên nghiệp toàn quốc năm 1995 với vai Dạ Hương trong Loài hoa không tên cảm nhận: “Tôi rất tâm đắc và yêu thích vai diễn này cũng như một số sáng tác của soạn giả. Nhờ vai diễn này đã đưa tôi đến với sân khấu chuyên nghiệp và gắn bó đến bây giờ”. Ngoài ra, một số nghệ sĩ khác như: Thanh Nhanh, Thành Điển, Thanh Hùng, Hoài Thanh, Thanh Tuấn,… cũng thế hiện rất thành công những sáng tác của soạn giả Ngô Hồng Khanh.
Thạc sỹ – Nhạc sỹ Huỳnh Khải cảm nhận về người đàn anh: “Tôi ấn tượng với thủ pháp sử dụng điệp từ, điệp ngữ, những câu đảo ngữ trong các sáng tác của anh Khanh, luôn toác ra một điều rất riêng so với các tác giả khác”.
Soạn giả Ngô Hồng Khanh (ngoài cùng bên trái) và các thi sinh đạt giải tại hội thi giải Bông Lúa Vàng 2015
Soạn giả Ngô Hồng Khanh trong một lần họp mặt với các đồng đội cũ của đoàn Văn công quân giải phóng miền Nam, năm 2003
Đến nay, dù đã gần 80 tuổi nhưng vị soạn giả vẫn rất sung sức trong công việc sáng tác của mình. Ông đã rất vui mừng khi Đờn ca tài tử của dân tộc được vinh danh là một trong những di sản văn hóa phi vật thể của nhân loại, cần được bảo tồn và phát huy. Soạn giả Ngô Hồng Khanh quan niệm: “Đờn ca tài tử hay Cải lương là nỗi lòng riêng của người nghệ sĩ gửi gấm vào lời ca tiếng hát, người viết xúc động, người hát xúc động thì người nghe mới xúc động được. Thế nên, bảo tồn một nền nghệ thuật của dân tộc là phải gìn giữ được cái hồn, cái túy của nó”.
Một số sáng tác nổi bậc của soạn giả Ngô Hồng Khanh
"Với khối lượng sáng tác đồ sộ và chất lượng về kịch bản Cải lương và Đờn ca tài tử, soạn giả Ngô Hồng Khanh vinh dự được trao tặng Giải thưởng Nhà nước về Văn học Nghệ thuật năm 2012 cùng nhiều giải thưởng cao quý khác".
Text: PHI SƠN
(NHIP SỐNG TV tổng hợp)