DANH MỤC

"Ông ngoại" kẹo bông gòn

Lượt xem: 2402 -

Món kẹo bông gòn có lẽ thời học sinh nhiều bạn đã từng ăn và cũng rất thích món này phải không. Bỏ một miếng kẹo bông gòn vào miệng rồi cái vị ngọt giòn tan chảy trong cuốn họng mang lại cảm giác rất “đã”, chưa kể là thích món ăn vặt vì thấy người bán kẹo như là một ảo thuật gia thật thụ, chỉ một ít nguyên liệu như bơ, đường, màu mà bỏ vô cái máy xoay xoay một lát lại biến thành một cây kẹo bông gòn khổng lồ, khiến bao đứa trẻ mê mẫn nhìn mãi không thôi.

Và ở quận 4, TP.HCM có một “ảo thuật gia” như thế. Điều đáng nể hơn thì vị ảo thuật gia này đã ngọt nghét gần 100 tuổi, đã bán kẹo bông gòn cho biết bao thế hệ học sinh ở Sài Gòn này ăn, hầu hết các học sinh, là mối quen của ông đều gọi ông lại “ông ngoại” rất thân thiết và gần gũi. Đó là ông Huỳnh Văn Bảy, với hơn nửa đời gắn bó với nghề bán kẹo bông gòn.

Chân dung "ông ngoại" bán kẹo bông gòn Huỳnh Văn Bảy

Lần đó chúng tôi ghé thăm ông Bảy nhà ở quận 4, để đi theo ông xem ông bán kẹo bông gòn như thế nào, sẵn mua thử vài cây kẹo ăn để nhớ về tuổi thơ. Từ nhà ông đã chuẩn bị sẵn sàng hết các công đoạn, nguyên liệu chất đầy trên chiếc xe gắn máy, ông Bảy cho biết, ông sinh ra trong một gia đình khá giả ở Tiền Giang, tuy nhiên do gia cảnh sa sút, ban đầu, ông mưu với nghề sửa máy móc để nuôi gia đình.Trong một lần vô tình sửa máy trong xưởng đường thấy người ta xử lý mía thành đường trắng tinh, ông Bảy mới đánh liều chế ra cái máy đốt đường tạo thành kẹo bông gòn. Sau nhiều lần thất bại thì ông Bảy mới cho ra cái máy cho ra được "kẹo gòn" ưng ý.

Dù cuộc sống mưu sinh vất vả, kinh tế khó khăn nhưng lúc nào ông Bảy cũng lạc quan, yêu đời. Chiếc xe máy cũ kỹ cũng trở thành người bạn đồng hành cùng ông ngót nghét mấy chục năm trời.

Rất đông học sinh mua kẹo bông gòn do ông ngoại Bảy bán

Theo ông đến các điểm trường tiểu học, trung học cơ sở ở quận 4, cũng gần nhà ông, cứ vào giờ ra chơi hay giờ tan học về, mới tận mắt thấy cảnh từng nhóm học sinh ùa vào chiếc xe bán kẹo bông gòn của ông, đứa thì mua một cây, đứa thì hai, ba cây, làm ông buôn bán tất bật không kịp ngơi tay.

Điểm nhấn khiến học trò mua kẹo của ông làm bởi ngoài là một nhà ảo thuật già lão luyện thì ông còn là người bán kẹo có tâm. Tấm biển quảng cáo ông ghi gắn trên xe “Kẹo bông gòn ông ngoại không có gì lạ, chỉ có milo, bơ sữa, trái vải, sầu riêng, me, cam là số dách” vừa dễ thương lại vừa nói lên tất cả. Ông Bảy tự tay đi mua những nguyên liệu, trái cây kể trên rồi về nhà tự làm lấy, lại không sử dụng màu thực phẩm hay nguyên liệu mua không rõ nguồn gốc nên luôn mang lại sự yên tâm cho các bạn nhỏ, lẫn sự tin tưởng của các bậc phụ huynh khi cho con mình ăn kẹo ông ngoại bán. Nguyên liệu nhìn chỉ đơn giản như vậy thôi chứ khi qua bàn tay ảo thuật của ông ngoại chúng sẽ biến thành những cây kẹo bông gòn rất to, đủ màu sắc nhìn rất bắt mắt. Nhìn bọn trẻ vừa vui đùa vừa ăn miếng kẹo, khuôn mặt và nụ cười toát lên niềm vui và sự hạnh phúc giản đơn, khiến mình cũng thấy vui lây trong lòng.

Tâm sự với chúng tôi, ông Bảy tự hào cho biết thêm: Có gia đình ba thế hệ ở Sài Gòn này ăn kẹo của ông rồi đó, còn gia đình ba mẹ và con cái từng ăn kẹo ông bán thì nhiều. Nhiều lúc đang chạy xe ngoài đường có vợ chồng nọ chở đứa con đi từ đằng sau tới còn chào tui, đều gọi tui là ông ngoại. Đó là niềm vui và là nguồn động viên tinh thần, để tui còn tiếp tục làm kẹo bông gòn cho tụi nhỏ ăn.

Ông còn tự hào cho biết thêm, nhiều học trò sau này lớn lên, làm ông này bà nọ, làm nhiều ngành nghề thu nhập rất cao, nhưng nhiều lúc nhớ kẹo bông gòn của ông ngoại cũng chạy xe ra cổng trường cũ đứng đợi ông đến để bán cho chúng mấy cây kẹo bông gòn mang về nhà ăn.

Kẹo bông gòn, món ăn khó quên trong kí ức tuổi học trò

Vào những ngày cuối tuần được nghỉ ngơi, ông Bảy tự thưởng cho mình ly cà phê ở quán quen gần nhà, ngồi nói chuyện, tâm sự với hàng xóm. Tính ông hòa đồng vui vẻ và pha chút tiếu lâm nên rất được bà con lối xóm quý mến. Ông cũng rất thích ca hát, về nhà bật tivi lên và chọn những bài quen thuộc để giải trí, ông cũng thích xem lại những video thước phim làm về mình, ông lưu trữ lại tất cả, như một nguồn động viên tinh thần, là món quà vô giá đối với ông.

Hình ảnh ông ngoại với mái đầu bạc trắng, gương mặt hiền hậu bên chiếc xe kẹo bông gòn đậu trước cổng trường và các học sinh vây quanh sẽ luôn là một hình ảnh đẹp trong kí ức của Sài Gòn./.

Video: Kỉ niệm gặp gỡ ông ngoại kèo bông gòn

TEXT&PHOTOS: HOÀNG NGUYÊN

(NHỊP SỐNG TV tổng hợp)

 

CÁC TIN LIÊN QUAN