Những ngày cuối năm, tôi mong mình sẽ sắp xếp được thời gian, rong xe thong thả về ngoại ô Sài Gòn thăm thầy giáo dạy Văn cũ của tôi, thầy Nguyễn Đăng Phùng.
Thầy tôi làm chủ nhiệm cái lớp 11A như một gánh vác, bởi lớp 10A nghịch ngợm đã nổi tiếng ở trường cả trong thông tin hành lang học trò và giáo viên. Có lẽ Ban giám hiệu thời điểm ấy thấy rằng quản lớp "dữ" không gì hợp lý hơn là trao vào tay một thầy giáo hiền, dù các thầy cô giáo giảng dạy lũ học trò chúng tôi những năm ấy đều hết mực thương yêu học trò và mỗi người mỗi cá tính.
Thầy Phùng dáng người đậm, chất văn chương từ thầy hình như không thể thấm nhanh vào lũ học trò lơ đễnh chúng tôi qua bài vở trong giờ giảng mà chính con người hiền lành của thầy, đã tự nhiên chuyển trao cho bạn bè trong lớp tôi rất nhiều.
Giờ kiểm tra viết môn Văn lớp chúng tôi thường trở nên sôi động khi thầy quay lưng chép đề lên bảng phấn đã có tiếng sột soạt "giở tài liệu" tranh thủ tham khảo, những "trao đổi kiến thức" ngắn gọn gấp gáp để tìm hướng làm bài...
Thầy luôn nghiêm khắc nhắc nhở về sự tự giác trong học tập và lòng tự trọng khi viết luận nhưng lại "không phát hiện" được sự tinh vi của lũ học trò chúng tôi sẵn sàng giấu sách dưới bài làm sau lưng thầy, chép "phim" vào lòng bàn tay, bàn... chân, bạn ngồi sau dán tài liệu lên lưng bạn ngồi trước và thậm chí cất trong ống tay áo dài đầy ma thuật của một vài bạn nữ mắt rắn. Mãi sau này chúng tôi lớn lên mới hiểu rằng mình đã làm khổ thầy rất nhiều và thầy đã bao dung với chúng tôi dường nào.
Làm Giáo viên chủ nhiệm một lớp mà các giáo viên bộ môn dù đã châm chước ít nhiều vẫn xuất hiện dày đặc trên sổ đầu bài phân loại tiết học C, D còn tiết B thì không thể đếm hết, đó là chưa kể những lời phàn nàn trực tiếp mà thầy Phùng lớp tôi phải nghe khi giờ ra chơi các giáo viên về phòng hội đồng uống nước trà trao đổi. Thầy đón nhận chỉ trích đối với lớp học mình đang chủ nhiệm với tinh thần không bao giờ bỏ cuộc, những tiết sinh hoạt lớp vào thứ 7 của thầy luôn kết thúc trễ hơn các lớp khác vì thầy muốn các bạn cố gắng hơn trong học tập và thi đua tuần mới. Một đôi lần cái lớp học đầy mắt rắn ấy đã làm vui lòng thầy chủ nhiệm khi vượt qua một tuần với điểm thi đua cao nhất trường để rồi tuần sau trở lại vị trí đứng nhất quen thuộc về thi đua xếp từ dưới lên, thầy lại nhẫn nại với một tiết họp lớp chủ nhiệm để giữ cương những học trò ương ngạch.
Thầy Phùng lớp tôi - (ảnh: tác giả bài viết cung cấp)
Nhưng có một điều tôi biết rõ, những bạn học trò bướng bỉnh nhất lớp, không ngại choảng nhau và gây sự với lớp khác luôn dành sự tôn trọng cho thầy Phùng kính yêu. Tôi nhớ một lần họp lớp, đích thân bạn B, đệ nhất quậy đã tìm mọi cách chở thầy đến gặp lại nhóm học trò cũ cũng đang háo hức đợi thầy. Thầy Phùng dạy Văn chúng tôi đã làm được điều đơn giản: giúp những học trò ngoan nhìn thấy được mặt tốt đẹp trong con người những học trò ít vâng lời và khiến họ xích lại gần nhau trong cuộc đời. Có lần hai bạn nam trong lớp vì xích mích tuổi học trò dẫn đến chiếc cặp của một trong hai bạn bốc cháy không rõ nguyên nhân và rơi bên ngoài cửa sổ. Một mặt thầy phải trao đổi rất nhiều với nhà trường để giảm thiểu nguy cơ kỉ luật nặng cho bạn lỡ dại đốt cặp, một mặt thầy phân tích chân tình với cả lớp để không xảy ra mâu thuẫn lớn hơn, kết thúc năm 12 ấy, thầy và chúng tôi vẫn "không tìm ra thủ phạm" cho đến khi họ bắt tay làm hoà trong một lần họp lớp có thầy chứng kiến.
Những khúc quanh thời gian đã đẩy nhúm "hạt nước học trò" lớp chúng tôi chảy xa thầy Phùng đến cột mốc hai mươi năm rời trường, để không nhiều bạn trong lớp biết rằng con suối nguồn-thầy giáo hiền lành của chúng tôi đã phải thầm lặng đối diện với mất mát lớn lao của số phận, bản thân thầy cũng giảm sút nhiều sức khoẻ...
Bạn bè 12A vào đời với đủ hướng đi và góc nghiêng tối sáng, gặp lại tình cờ hay thường xuyên, tôi vẫn nhận ra trong họ ẩn sâu những hạt mầm của sự tử tế và tin tưởng mà thầy giáo dạy Văn năm xưa của chúng tôi đã cần mẫn gieo trồng cùng đồng nghiệp./.
TRẦN THI CA