DANH MỤC

Biến cỏ bàng thành đồ thủ công đẹp mắt

Lượt xem: 3886 -

Từ những cây cỏ bàng mọc hoang dại rất nhiều ở vùng biên giới thuộc xã Phú Mỹ, huyện Giang Thành, tỉnh Kiên Giang, đồng bào Khmer đã biến chúng thành những món đồ thủ công đẹp mắt.

Cây cỏ bàng không chỉ giúp người dân địa phương ổn định thu nhập từ nghề thủ công truyền thống này mà còn góp phần gìn giữ hệ sinh thái tự nhiên trong khu vực.

Cỏ bàng được phơi trước sân tạo thành một bức tranh làng quê rất đặc trưng của làng nghề cỏ bàng Phú Mỹ.

Từ bao đời nay, người Khmer vùng biên giới xã Phú Mỹ đã biết nhổ cỏ bàng về phơi khô, đập dập để đan giỏ, chiếu, đệm, phục vụ sinh hoạt hàng ngày. Hiện nay, đồng cỏ bàng ở xã Phú Mỹ có diện tích tự nhiên hơn 2.500ha, được xem là lớn nhất trong khu vực. Cỏ bàng cho thu hoạch quanh năm, nhưng nhiều nhất là vào mùa nước nổi, từ tháng 8 - 11 hàng năm.

Hầu hết phụ nữ người Khmer ở Phú Mỹ đều biết đan cỏ bàng từ nhỏ, bởi công việc này không quá nặng nhọc, chỉ cần chăm chỉ, chịu khó dậy sớm để đi thu hoạch cây cỏ bàng.

Ngày nay, một số công đoạn chế biến cỏ bàng được ứng dụng máy móc vào sản xuất, giúp cải thiện năng suất lao động cho làng nghề.

Nghề đan cỏ bàng Phú Mỹ hiện còn nhiều tiềm năng vì đây là sản phẩm thân thiện với môi trường, rất được nhiều người ưa chuộng, nhất là ở các nước phát triển.

cỏ bàng được người dân vùng ĐBSCL thu hoạch để làm các sản phẩm thủ công mỹ nghệ như là để đan đệm, làm nón, bao bì, làm nóp, lợp nhà tranh. Giờ đây, cỏ bàng còn được sử dụng làm ống hút như một biện pháp góp phần bảo vệ môi trường.

Khu vực đồng cỏ bàng Phú Mỹ mang nét đẹp hoang sơ, bình dị và yên bình đặc trưng của khu vực ĐBSCL, là một điểm đến mới lạ, mang những nét hấp dẫn riêng phù hợp cho những ai yêu thích hoạt động du lịch khám phá./.

Theo HOÀNG SƠN

CÁC TIN LIÊN QUAN