DANH MỤC

Đặc trưng hương vị bánh dân gian của đồng bào Chăm

Lượt xem: 3183 -

Nhiều món bánh truyền thống của đồng bào Chăm như: bánh bò nướng, bánh cay, bánh Nambarang, bánh bông lan… thường có những nguyên liệu cơ bản là bột mỳ, bột gạo, nước cốt dừa hoặc nước của cây thốt nốt cùng với ớt cay hòa quyện nên hầu hết hương vị các món bánh Chăm đều mang mùi thơm nồng, béo và cay.

Chị Rô Phi Á, nữ nghệ nhân hơn 30 làm bánh dân gian đồng bào Chăm ở tỉnh An Giang.

Nấu ăn ngon được xem là một trong những tiêu chí đánh giá sự khéo tay, giỏi giang của người phụ nữ Chăm khi đến tuổi dựng vợ, gả chồng… vì thế mà đa phần phụ nữ Chăm đều rất khéo léo trong nấu ăn và biết làm những món bánh truyền thống. Chị Rô Phi Á ở huyện Tân Châu, tỉnh An Giang không những biết làm được nhiều loại bánh Chăm mà còn tích cực giới thiệu quảng bá những món ăn truyền thống của đồng bào mình đến nhiều tỉnh thành, du khách gần xa biết đến.

Chị Rô Phi Á cho biết, từ nhỏ chị đã thường xem mẹ làm bánh cũng như được mẹ dạy cách làm nhiều loại bánh để ăn hằng ngày hoặc dùng vào nhịp dịp lễ, hội truyền thống của cộng đồng. Đến nay, chị có thể làm được rất nhiều loại bánh của người Chăm, trong đó sở trường nhất là làm bánh bò nướng, bánh cay và bánh Nambarang, bánh bông lan. Các loại bánh này được xem lại bánh truyền thống của đồng bào Chăm ở An Giang, thường dùng vào các dịp quan trọng nên rất được nhiều người mua dùng.

Được trực tiếp xem chị Rô Phi Á trình diễn cách làm bánh bò nướng và bánh cay tại hội thi Bánh dân gian Nam Bộ năm 2019 được tổ chức tại Cần Thơ mới thấy được sự khéo léo và cách làm đặc trưng của người Chăm để có được những chiếc bánh ngon. Bánh dân gian của người Chăm đa phần thường có những nguyên liệu cơ bản là bột mỳ, bột gạo, hột vịt, nước cốt dừa, củ hành, ớt, muối… 

“Bánh bò được làm từ bột gạo và phải có thêm nước cốt dừa ngon hoặc bột dừa để tạo độ xốp cho chiếc bánh, ăn sẽ ngon hơn, có thể thay thế nước cốt dừa bằng nước của trái thốt nốt như vậy chiếc bánh bò nướng sẽ có thêm mùi thơm đặc trưng của trái thốt nốt, cũng là một loại cây trái đặc trưng của vùng đất An Giang, là bí quyết nấu món bánh bò nướng ngon hơn” – Chị Rô Phi Á cho biết thêm.

Hành, ớt, nước cốt dừa, hoặc nước trái thốt nốt là nguyên liệu không thể thiếu trong các món bánh của người Chăm.

Dùng muỗng trộn đảo đều bột gạo chuẩn bị cho món bánh bò nướng.

Đa phần người phụ nữ nào cũng biết nấu ăn, làm bánh từ tấm bé do mẹ truyền dạy lại.

Công đoạn dùng một cây que để xăm thử chiếc bánh cay xem đã chín chưa.

Bánh bò của người Chăm thường được nướng bằng bếp củi, dùng những cái nồi nhỏ hoặc chảo nhỏ để cho ra những chiếc bánh bò to cỡ bàn tay. Một mình chị Rô Phi Á có thể ngồi nướng 5 – 6 cái bánh cùng lúc trên từng đó cái bếp. Tay chị thoăn thoát khuấy bột, đổ bột vào chảo, canh lửa, kiểm tra bánh liên hồi để chiếc bánh vừa chín tới lấy ra không để bị khét. Nét đặc biệt trong cách làm bánh bò nướng của người Chăm là những cái nắp đậy lên chảo nướng bánh phải được hơ nóng sẵn ở một cái bếp khác trước khi đậy lên chảo đang nước cái bánh bò. Trước khi đậy nắp vào một cái chảo bánh nào thì chị Rô Phi Á dùng tay hơ phía dưới cái nắp để kiểm tra độ nóng của cái nắp. Đậy nắp nóng vào chảo bánh có tác dụng làm bề mặt chiếc bánh bò mau chín và tạo ra một màu vàng đẹp mắt. Ngoài ra, khi lớp mặt trên của chiếc bánh gặp nóng sẽ bị bung nứt ra thành những đường tẻ đẹp mắt và tỏa ra hương vị thơm ngon của chiếc bánh theo những đường nứt đó.

Các món ăn của người Chăm thường có vị béo và cay, món bánh cay, bánh Namparang của người Chăm đã tôn vinh hương vị truyền thống đó khi trong thành phần làm bánh luôn có nước cốt dừa và ớt tươi, là những nguyên liệu không thể thiếu để làm món bánh này. Tuy nhiên, khi chế biến cho các thực khách khác nhau thì người làm bánh sẽ gia giảm độ béo, độ cay sao cho phù hợp với sở thích của từng người.

Chị Rô Phi Á đã nhiều lần mang những món bánh truyền thống của đồng bào Chăm tham gia vào nhiều hội thi làm bánh, lễ hội bánh dân gian ở các tỉnh miền Tây để giới thiệu đến du khách gần xa những món bánh độc đáo. Đặc biệt, tại Lễ hội Bánh dân gian 2019 được tổ chức ở Cần Thơ, chị Rô Phi Á đã xuất sắc đạt Huy chương Bạc với những chiếc bánh truyền thống của quê hương.

Trước khi đậy nắp vào một cái chảo bánh nào thì chị Rô Phi Á dùng tay hơ phía dưới cái nắp để kiểm tra độ nóng của cái nắp.

Bánh bò của người Chăm thường được nướng bằng bếp củi, dùng những cái nồi nhỏ hoặc chảo nhỏ để cho ra những chiếc bánh bò to cỡ bàn tay.

Trong bộ trang phục truyền thống của người Chăm, chiếc khăn quấn đầu che kín mái tóc đầy bí ẩn, chị Rô Phi Á trình diễn làm món bánh bò nướng truyền thống của người Chăm trước sự theo dõi của người thực khách.

Những chiếc bánh bò nướng vừa chín tới có màu vàng óng và vết nứt tự nhiên rất thơm ngon và đẹp mắt.

Những chiếc bánh cay của người Chăm.

Chị Rô Phi Á trình bày cách làm bánh độc đáo của người Chăm tại Hội thi Bánh dân gian Nam Bộ 2019 được tổ chức tại Cần Thơ.

Theo NGHĨA SƠN (Nhịp Sống TV tổng hợp)

CÁC TIN LIÊN QUAN