DANH MỤC

Mộc mạc những sản phẩm từ tre Hàm Giang

Lượt xem: 2635 -

Những rừng tre gai (tầm vông) xanh tươi bạt ngàn mọc quanh những ngôi nhà và dọc khắp hai bên các con đường ở xã Hàm Giang (huyện Trà Cú, tỉnh Trà Vinh) đã mang lại một khung cảnh làng quê yên bình đặc trưng nơi đây. Cây tre còn gắn bó mật thiết với những người dân Khmer thông qua những sản phẩm gia dụng trong mỗi gia đình. Và nghề thủ công chế tạo các sản phẩm từ cây tre đã được những người thợ Khmer chỉ bảo nhau cùng làm từ nửa thế kỷ trước.

Ngày nay, Hàm Giang được biết đến là một làng nghề thủ công mỹ nghệ với các sản phẩm từ cây tre đã tới được nhiều người tiêu dùng ưa chuộng, bởi những sản phẩm từ cây tre mộc mạc, bền chắc như tính tình của những người dân nơi đây.

Chúng tôi đến thăm cơ sở sản xuất giường tre của ông Thạch Hai (60 tuổi, ấp Trà Tro B, xã Hàm Giang, huyện Trà Cú, tỉnh Trà Vinh) trong lúc ông cùng một người thợ hoàn thành những công đoạn cuối cùng của chiếc giường tre. Ông Thạch Hai cho biết: “Nghề làm giường tre của gia đình đã có từ đời ông bà, ba mẹ, giờ đến tôi theo nghề cùng gần 40 năm rồi. Những chiếc giường tre tôi làm ra người giàu người nghèo đều thích dùng, bởi vì chúng không gây đau lưng, lại thoáng mát, giá cả vừa phải mà độ bền sử dụng lên đến 10 -15 năm”.

Những cây tre gai là đặc sản của vùng đất Hàm Giang, là nguồn nguyên liệu tự nhiên vô cùng quý giá cho bà con. Thế nên cộng đồng Khmer cùng chỉ bảo nhau làm nghề mộc từ những cây tre sau nhà, người nào biết rành thì chỉ cho người chưa biết cùng làm. Nếu có dịp vào xã Hàm Giang, đi trên những con đường nhựa dẫn vào các ấp Trà Tro A, Trà Tro B, Trà Tro C thì sẽ chứng kiến những người thợ hì hục bên những khúc tre, tiếng đục đẽo, tiếng máy móc đặc trưng cùng với không khí làm việc tất bật.

Cũng theo ông Thạch Hai, nếu như trước đây người thợ hoàn toàn làm bằng thủ công, phải mất bốn ngày mới làm xong một chiếc giường thì đến nay ông đã đầu tư nhiều loại máy cưa, máy khoan, máy cắt vào sản xuất, nên thời gian rút ngắn xuống chỉ còn một ngày. Ngoài làm giường tre, ông còn làm thêm các sản phẩm khác như: thang tre, ghế tre. Theo ông Thạch Hai, bí quyết để các sản phẩm tre có độ bền cao thì cây tre dùng làm nguyên liệu phải chọn những cây tre nguyên liệu già, tre xưa, tầm 3 – 4 năm tuổi. Mỗi sản phẩm sau khi làm xong đều phải xịt lên đó một loại sơn chống mối, mọt thì càng tăng độ bền hơn.

Để sản phẩm đa dạng và có đầu ra ổn định, những năm gần đây nhiều hộ dân trong vùng còn hợp tác cùng nhau thành lập các tổ hợp tác để tập trung sản xuất. Trong đó, Tổ hợp tác Thành Đạt (ấp Trà Tro B, xã Hàm Giang) luôn đi tiên phong về sản phẩm chất lượng và đầu ra ổn định. Anh Thạch Trì Cảnh, Chủ nhiệm tổ hợp tác Thành Đạt cho biết: Hiện nay có 175 hộ tham gia vào Tổ hợp tác, sản xuất 6 loại sản phẩm chính từ tre, gồm: ghế đai (ghế đôn), ghế xếp, bộ salon, giường hộp, giường truyền thống, kệ. Trước đây, nhờ được đi học nghề mộc ở Tây Ninh, anh Cảnh đã nắm được thêm nhiều kỹ thuật làm mộc với các máy móc tiên tiến. Anh đã về quê và áp dụng vào sản xuất sản phẩm từ cây tre quê nhà, vì thế các sản phẩm tre của Thành Đạt luôn có chất lượng thẩm mĩ và tuổi thọ cao.

Những lúc cao điểm, nhiều khách đặt làm, anh phải thuê thêm 32 hộ trong vùng gia công sản phẩm phụ anh, còn ở xưởng gỗ lúc nào cùng có khoảng 12 thợ cặm cụi làm việc. Các sản phẩm của Thành Đạt hiện đang được mang đi tiêu dùng ở nhiều tỉnh miền Đông, miền Tây, Tp. Hồ Chí Minh, có mặt ở các quán cà phê, nhà hàng, khu du lịch. Giá các loại sản phẩm dao động từ vài trăm nghìn đến vài triệu đồng, cùng với đầu ra ổn định đã giúp những người thợ ở Hàm Giang yên tâm gắn bó với nghề. Ngoài ra, cơ sở Thành Đạt còn tham gia thiết kế công trình bằng tre cho các khu du lịch ở nhiều nơi như Đồng Tháp, Sóc Trăng, làm đa dạng hơn các sản phẩm làm từ cây tre của đất Hàm Giang./.

Theo NHẠN CÔ - LUÂN NGUYỄN

 

CÁC TIN LIÊN QUAN