DANH MỤC

Âm nhạc không biên giới - bế mạc Liên hoan Âm nhạc dân tộc quốc tế lần 1 năm 2018

Lượt xem: 1618 -

Tiết mục hòa tấu “Âm nhạc không biên giới” vô cùng ấn tượng và đặc sắc đến từ tất các nghệ sĩ của các nước tham dự Liên hoan Âm nhạc dân tộc quốc tế lần 1 năm 2018 (25 – 29/11) đã để lại những dư vị khó phai tại Liên hoan lần này.

Các nghệ sĩ đến từ các quốc gia: Hàn Quốc, Ba Lan, Malaysia, Đài Loan, Mỹ, Ghana, Cuba, Đảo Mauritus cùng các nghệ sĩ chủ nhà Việt Nam đã say sưa thổi hồn trong từng nhạc cụ dân tộc của mỗi quốc gia. Bằng tiếng nhạc, họ đã hòa quyện, kết nối tình bạn bè, tình hữu nghị giữa các nước lại với nhau bằng niềm cảm hứng nghệ thuật bất tận, không hề có biên giới.

Cũng trong chương trình bế mạc Liên hoan, khán giả được dịp thưởng thức lại các phần thi đạt giải cao của các thí sinh tham dự Cuộc thi độc tấu và hòa tấu nhạc cụ dân tộc Việt Nam. Nhiều tiết mục hấp dẫn đến từ nhiều bảng đấu có thể kể đến như: Trống cơm (Ngô Cẩm Tiên), Hương sen Đồng Tháp (Nguyễn Hải Minh), Dáng đứng Bến Tre (Nguyễn Nguyêt Thu), Hòa tấu Lý ngựa ô Huế (Dàn nhạc dân tộc học viện âm nhạc Huế), Độc tấu đàn bầu – Nặng tình phương Nam (Nguyễn Minh Tuấn), Tiếng sáo trên nương (Nguyễn Văn Quyết),…

Phát biểu tại buổi bế mạc, ông Bùi Quang Hải – Phó Vụ trưởng vụ Đào tạo, bộ Văn hóa, Thể thao và Du lịch chia sẻ: “Cuộc thi Độc tấu và hòa tấu nhạc cụ dân tộc Việt Nam và Liên hoan Âm nhạc dân tộc quốc tế do Nhạc viện TPHCM đăng cai tổ chức là một chương trình rất có ý nghĩa, tôi hy vọng sức lan tỏa từ cuộc thi lần thứ nhất này sẽ phát triển và bùng cháy lên thành một phong trào mạnh mẽ trên toàn quốc, cũng như trên 70 cơ sở đào tạo văn hóa nghệ thuật khác trong cả nước cùng phát triển. Tận mắt thấy các nghệ sĩ nhỏ tuổi biểu diễn đàn bầu, đàn tranh hay các tiết mục biểu diễn âm nhạc cổ truyền tại chương trình với những tài năng trẻ như vậy làm cho tôi thật sự cảm động. Trong đó, sự đóng góp của các gia đình có con em dự thi là rất đáng ghi nhận trong việc góp phần giữ gìn và bảo tồn, phát huy âm nhạc dân tộc, đồng thời thông qua chương trình cũng ghi nhận vai trò của các cơ sở đào tạo như Nhạc viện TP.HCM, Học viện âm nhạc Huế, học viện âm nhạc quốc gia Việt Nam là những cơ sở mạnh nhất trong lĩnh vực đào tạo âm nhạc của cả nước”.

Tại lễ bế mạc, Ban tổ chức chương trình cũng đã trao tặng 35 giải thưởng cho các thí sinh xuất sắc nhất cuộc thi lần này.

Cuộc thi Độc tấu và hòa tấu nhạc cụ dân tộc Việt Nam đã thu hút 90 thí sinh từ các Nhạc viện, Học viện, các trường Trung cấp nghệ thuật, các trường Đại học, Cao đẳng có đào tạo âm nhạc truyền thống và các nghệ sĩ từ Bắc tới Nam về tham dự. Đây là một sự kiện quan trọng trong đời sống âm nhạc của TP.HCM và các nước về quy mô và số lượng các thí sinh, nghệ sĩ nước ngoài đến tham dự. Bên cạnh cuộc thi là Liên hoan âm nhạc dân tộc quốc tế với sự tham gia của 100 nghệ sĩ từ 10 nước về tham dự. Chương trình Liên hoan âm nhạc được tổ chức theo mô hình quốc tế với các chương trình biểu diễn và workshop giới thiệu những nét đặc sắc về âm nhạc cũng như nhạc cụ dân tộc của Việt Nam và các nước.

Thành Sơn

CÁC TIN LIÊN QUAN