DANH MỤC

Sau vòng 1/8 Champions League 2017-2018: Hoài niệm Guardiola

Lượt xem: 1537 -

Sau một đêm, thế giới bóng đá lại chứng kiến những khoảnh khắc thiên tài của Messi, 2 bàn thắng đều từ cách “xỏ kim” quen thuộc cho một nạn nhân quen thuộc từ thời Atletico – Thibaut Courtois. Courtois ko có lỗi, chắc anh chỉ biết kêu thầm: “Oh, God! Vì sao mình sinh ra có cái “lỗ kim” rộng thế!?”.

Kể chút cho vui trước khi vào chủ đề chính, Messi thiên tài tạo ra sự khác biệt, dễ dàng đưa Barca vào tứ kết; Mourinho “bật bãi” cùng MU thì trở nên quá lỗi thời về tư tưởng và chiến thuật khi dường như còn gặm nhấm vinh quang quá khứ vốn đã lùi xa gần thập kỷ… Nhưng, vô tình xem đội hình tiêu biểu của Barca mọi thời đại bỗng khiến người viết nhớ lại một cầu thủ thông minh bậc nhất lịch sử vốn từng được theo dõi cách đây 2 thập kỷ, người đang góp công lớn giúp Man City lọt vào tứ kết.

Busquets là cầu thủ hoàn hảo. Không ai dám phủ nhận. Cầu thủ xuất sắc trong mọi trận đấu trong đội hình hai “đế chế” Barca và TBN bành trướng thế giới với những kỳ tích vô tiền khoáng hậu kể từ khi anh xuất hiện ở tuổi tròn đôi mươi. Nhưng anh không có tên trog đội hình này.

Thời gian như trôi tuột đi. Những năm 1990, qua đầu 2000, có một cái tên thầm lặng cũng dạng như Busquets bây giờ, thậm chí còn thầm lặng và còn có hơi hướm bí ẩn, vì Busquets lâu lâu vẫn còn được báo chí ca ngợi. Cầu thủ ấy thi đấu bên cạnh những siêu hảo thủ thời bấy giờ qua 2 giai đoạn hoàng kim của Barca thời đó: Dream Team giai đoạn 1991-1994: Hristo Stoichkov, Romario, Michael Laudrup, Gheorghe Hagi, Ronald Koeman; giai đoạn 1997-2000: Ronaldo, Rivaldo, Luis Figo, Kluivert, Marc Overmars… - nhưng anh lại không bao giờ bị lẫn vào đâu được với sự tinh tế trong thi đấu và bộ óc siêu việt của mình. Có thể nói anh là cầu thủ đầu tiên được tuyển vào lò La Masia theo triết lý kiểm soát bóng không cần thể hình cao to mà chỉ chú trọng đến kỹ thuật và tư duy chơi bóng theo tiêu chí tuyển trạch của HLV Johan Cruiff lúc bấy giờ. “Thánh” Johan - triết gia, nhà tư tưởng kiệt xuất trong bóng đá là người trực tiếp huấn luyện anh trong Dream Team thuở ấy. Triết lý bóng đá tổng lực được “Thánh” Johan nâng tầm để trở thành trường phái mang đậm tính “triết học” trong bóng đá, gắn với tư duy con người và tạo điều kiện cho các cầu thủ phát huy được những tinh túy nhất của bản thân. Một lối chơi cho một đội bóng, một phong cách cho một cầu thủ, phóng khoáng, tự do, nhưng vẫn nằm trong khuôn khổ. Hơi lan man chút, nhưng cũng là để giới thiệu thật kỹ lưỡng cho một “kỳ nhân” trong lịch sử bóng đá: Pep Guardiola.

Pep Guardiola thời còn khoác áo Barca (ảnh: Internet)

Pep Guardiola thời còn là cầu thủ được biết đến tên gọi là Pep Guardiola, thường gọi là Guardiola - thi đấu điềm đạm, thông minh, đôi khi còn lạnh lùng, nhưng lại luôn hòa vào trong lối chơi đẹp mắt, giàu bản sắc của Barca, hay lối chơi nhiều khi quyến rũ đến ngây thơ của “”hổ giấy” Tây Ban Nha thuở nào, vốn luôn đầy rẫy tài năng. Guardiola vẫn luôn là chính mình, hỗ trợ đồng đội phát huy hết khả năng, luôn đóng vai chính trong lối chơi, và luôn là ông chủ của sân đấu với khả năng cầm trịch trận đấu siêu hạng.

Cần kể ra thêm một dẫn chứng cụ thể về tài năng của Guardiola. Bóng đá thế giới mấy chục năm nay ở cấp độ đội tuyển, đặc biệt ở các giải đấu lớn EURO hay World Cup với tính chất quan trọng của nó thường hiếm khi có những cuộc rượt đuổi tỉ số hấp dẫn, hay những kịch tích đặc biệt. Cũng không khó hiểu khi các đội tuyển thường thi đấu cầm chừng nhằm hạn chế tối đa sai lầm trong những giải đấu khốc liệt, khó khăn như vậy khi mang trên mình sự kỳ vọng của cả đất nước và người hâm mộ nơi quê nhà. Số trận đấu kịch tính trong các giải đấu lớn vì vậy mà chỉ đếm được trên đầu ngón tay.

Chính Guardiola đã để lại một dấn ấn của mình trong một trận cầu kinh điển như thế ở trận cuối cùng vòng bảng EURO 2000 giữa TBN và Nam Tư. Cuộc rượt đuổi tỉ số nghẹt thở khi hai đội tranh suất vào tứ kết. Khi tỉ số là 3-3, trận đấu chỉ tính bằng giây, sau những bàn thắng liên tục, cầu thủ hai đội đều thi đấu rất khẩn trương, tranh thủ từng đường lên bóng để tận dụng cơ hội ghi bàn. Lúc này, bóng trong chân của Guardiola từ giữa sân, anh vẫn bình tĩnh, nhẹ nhàng treo một đường bóng vào trong vòng cấm của Nam Tư. Mặc dù đang tập trung rất đông, nhưng các cầu thủ Nam Tư như bấn loạn trước đường bóng điểm rơi khó chịu của Guardiola. Các cầu thủ TBN đã tranh thủ cơ hội để lấy bóng, và Alfonso Perez đã nhanh chân có bóng để ấn định tỉ số 4-3, đưa TBN vào tứ kết. Người ta sẽ nhớ mãi khoảnh khắc này, nhất là người viết, một “tín đồ” của phong cách chơi kiểu Guardiola, dù thời điểm đó và đến tận bây giờ hay mãi mãi sau này luôn thần tượng Ro “béo” cùng các cầu thủ luôn thi đấu đậm chất đường phố ngẫu hứng của Brazil.

Vậy nhưng không ai nói trước được tương lai. Vẫn có điều làm con người ta tạm quên, hay vô tình “lấn át” một dấu ấn tưởng như không thể quên trong quá khứ. Lứa cầu thủ “trăm năm có một” của La Masia gồm những Messi, Xavi, Iniesta, Busquets, Pique không chỉ hình thành một đế chế Barca, khắc một dấu ấn huy hoàng của Barca vào lịch sử bóng đá mà còn giúp TBN (trừ Messi) lập nên kỳ tích vô tiền khoáng hậu với 3 lần liền VĐ EURO-World Cup từ 2008-2012. Người có công lớn nhất đưa lứa cầu thủ đó ra ánh sáng và tạo điều kiện để họ phát huy hết những tố chất thiên tài cuả mình không phải ai xa lạ, chính là Guardiola, từ đây là gọi là HLV, với tên thân mật là “Pep”. Với những ai từng hâm mộ Pep, giai đoạn đầu là HLV, chắc hẳn họ vẫn hoài niệm và nhớ đến Pep khi còn là cầu thủ. Thành công trong vai trò HLV đến với Pep rất nhanh, nhưng người ta vẫn phải nhớ đến cầu thủ Guardiola ở quá khứ không xa…

Nhưng (lại nhưng), danh hiệu đến với Barca lại quá nhanh và nhiều khiến lúc này những ai đã hoài niệm và trót “yêu” Guardiola từ lâu rồi mới buộc phải thừa nhận rằng anh đã là HLV, mà là một HLV rất tài năng, dẫu rằng, suy nghĩ ấy cũng chỉ là thoảng qua... Bởi bất cứ ai, trong thế giới bóng đá lúc này đều bị mê hoặc bởi sự phi phàm của dàn Messi, Xavi, Iniesta, Busquets, Pique… vẫn hàng tuần thi triển tài nghệ trong lối chơi tiki-taka kỳ diệu trên những thảm cỏ xanh mượt. Những chiến quả phi thường cứ dồn dập dành cho từ cá nhân đến tập thể  - từ Messi đến Barca. Messi, Xavi, Iniesta, Busquets, Pique… dù đi ngôi đền huyền thoại của bóng đá thế giới với công không nhỏ của Pep, nhưng khổ nỗi, họ quá xuất chúng nên với những gì đã làm được trong vai trò HLV trưởng, công lao và tài năng của Pep vô tình bị lu mờ. Pep có khi còn bị lãng quên, thậm chí bị nghi ngờ khả năng. Dù cố gắng, ngay cả những “tín đồ” của Pep đôi khi cũng tạm quên anh…

Tiki-taka của Pep có phần bị bắt bài sau một chu kỳ thành công, Pep ra đi là hợp lẽ dù giới mộ điệu vẫn có chút nuối tiếc. Tuy vậy, với tuổi đời làm HLV còn quá trẻ, Pep vẫn cần phải chứng tỏ để thế giới bóng đá phải tâm phục khẩu phục.

Pep đã giúp Man City trở thành một trong 8 cái tến xuất sắc nhất châu Âu lọt vào tứ kết C1 năm nay

(ảnh: Internet)

Thời thế tạo anh hùng, Pep đã có 3 mùa dẫn dắt đội bóng hùng mạnh của châu Âu - Bayern Munich nhưng không thể VĐ C1. Điều đó khiến mọi người suy nghĩ ông chưa thể khẳng định được mình khi chưa VĐ được C1 ở 2 CLB khác nhau, và quan trọng hơn là chưa VĐ C1 khi không được dẫn dắt một CLB siêu việt như Barca (!).

Những ai nghi ngờ Pep càng được thể… nghi ngờ. Nhưng không ai mà không biết một thực tế tất yếu, kể cả những culé - giai đoạn 2014-2017 Pep ở Bayern là giai đoạn cực thịnh của… Real Madrid. Nhà vua đã trở lại. DNA C1 đã chảy, chảy rất mạnh trong Real sau 12 năm chờ đợi cú “Decima”. Và với một dàn hảo thủ siêu hạng cùng khát khao chinh phục kinh khủng bậc nhất lịch sử bóng đá của một siêu sao như Ronaldo là đầu tàu, thì Real đơn giản là… không thể cản. Phá dớp 2 lần VĐ liên tục Champions League quả là cực khó, 3 chức VĐ trog 4 mùa (2014-2017) thực sự là kỳ tích, đến Barca của dàn cầu thủ “trăm năm có một” trên đây còn ko làm được thì mới thấy Real giai đoạn này “kinh tởm” thế nào. Và như vậy, Bayern của Pep của chẳng lấy làm gì thất vọng, để rồi Pep tiếp tục ra đi, tìm một đội bóng khát khao và đang trên đường khẳng định mình, cũng như bản thân ông.

Ngoài Bayern, Barca chỉ có Real là cùng “mâm” đẳng cấp ở C1. Tất nhiên, vốn là người của Barca, Real ko phải là nơi của Pep. Và Pep đã chọn Man City, đội bóng giàu khát khao và tiềm lực, chỉ đang thiếu một điều là vượt ngưỡng để trở thành một đội bóng lớn. Pep cần Man City và ngược lại. Cũng phải nói thêm về ý nghĩa của danh hiệu trong bóng đá - cùng một danh hiệu nhưng ý nghĩa của nó là khác biệt phụ thuộc vào hoàn cảnh mỗi đội bóng giành được nó. Sự khác biệt đến ở chỗ danh hiệu đó được đội bóng chờ đợi từ rất lâu, có thể tính cả đời người, với khát khao cháy bỏng; hay danh hiệu giành được mang tính bước ngoặt trong lịch sử đội bóng, giúp nâng tầm đội bóng  thì ý nghĩa của nó là vô cùng lớn lao, gián tiếp giúp HLV dẫn dắt trở nên vĩ đại. Pep cần giúp Man City giành C1 để đạt được điều đó, dù vô cùng khó.

Sở dĩ Mourinho khắc tên trog lịch sử như một trong những HLV vĩ đại bởi vì 2 chức VĐ C1 với Porto và Inter Milan đều có mang những ý nghĩa đặc biệt, nhất là khi đây đều không phải là những đội bóng lớn như Real, Bayern, Barca, hay AC Milan.

Trở lại với thông tin thời sự, vòng 1/8 Champions League mùa này vừa kết thúc, Pep đã giúp Man City trở thành một trong 8 cái tến xuất sắc nhất châu Âu lọt vào tứ kết bằng lối chơi tổng lực đầy phá cách - một cuộc cách mạng đối với một đội bóng Anh. Và trên hết, cuộc cách mạng ấy bắt nguồn tư duy bóng đá thiên tài của Pep, vốn từng là một cầu thủ bóng đá có lối chơi bóng kỳ tài…

Việt Hồng

CÁC TIN LIÊN QUAN