Phần 3: Võ sĩ ẩn danh ông Hai “chăn bò” hạ gục ba tên cướp giữa đêm khuya ở tuổi 85
Ở tuổi cậy con nhờ cháu, cuộc sống khốn khó xô đẩy võ sĩ nghèo Mai Văn Ở ra nơi đồng trống làm phận chăn bò. Thế nhưng, cuộc sống lánh đời, nghèo khó của ông lão cũng không được yên. Trong đêm tối trời, sau khi lên kế hoạch tỉ mỉ từ trước, ba tên cướp đã cầm dao, mã tấu mò vào lều của lão chăn bò nhằm cướp chiếc xe máy, tài sản duy nhất của ông. Bằng những sức lực cuối cùng, vượt qua chứng cao huyết áp bất chợt, ông đã tạo nên chiến tích thần kỳ khi một thân đánh gục cả ba tên cướp bảo vệ mạng sống, tài sản độc nhất của mình.
Âm mưu của “quỷ”
Sau nhiều năm chạy xích lô máy, cuộc sống nhiễu nhương đánh dạt anh thanh niên chân chất ra khỏi TP.HCM đô hội. Ông lang thang khắp các tỉnh miền tây vác lúa, chăn trâu thuê kiếm sống. Cuối cùng, sau những bước đường mỏi mệt, ông quay về ngoại ô TP.HCM chăn bò. Ông lập gia đình, có người con trai độc nhất. Tiếc thay, khi chưa kịp mơ đến ngày nhờ cậy người con độc nhất, anh này đã vĩnh viễn ra đi. Đôi vợ chồng già bòn mót kiếm sống nuôi hai đứa cháu nội khi cô con dâu chê gia cảnh nghèo chạy theo người đàn ông khác. Nghèo túng, quẫn bách thúc ép ông làm đủ nghề kiếm sống. Khi sức cùng, lực kiệt, ông đánh liều vay mượn người quen mua bò, thuê đất chăn dắt lấy công làm lời, tìm đường sinh nhai.
Ông cho biết: “Một đời vất vả mưu sinh, tôi không có được gì cho gia đình, vợ con. Tới giờ, ngoài ngôi nhà nhỏ làm chỗ chui ra chui vào, tôi chỉ còn một chiếc xe máy làm phương tiện đi lại. Thế mà, vì nó, tôi sém bị bọn cướp giết. Không ngờ, thời buổi này lại có người manh động và xuống tay tàn nhẫn thế. Nếu tôi không cao số và may mắn, có lẽ đã chết từ hai năm trước rồi. Vết chém của ba tên cướp vẫn ghim sâu vào cặp côn nhị khúc của tôi đây này. Mỗi lần thấy nó, tôi lại nhớ đến kỷ niệm hãi hùng đó. Trước đó, mấy tên cướp đã để ý tài sản của tôi và lên kế hoạch tấn công từ trước”.
Trước đó, ông vốn nổi tiếng với biệt tài chọn gà chọi. Mỗi khi mua gà, dân trong nghề đều tin tưởng tìm đến ông để ông chọn giúp. Trước hôm sảy ra vụ cướp hai ngày, có một thanh niên chạy xe ra căn lều ngoài bãi đất chăn bò tìm và nhờ ông xem gà. Tại đây, người này thấy ông có chiếc xe Dream khá mới nên lên tiếng khen: “Ông già có xe đẹp quá”. Đang trong lúc túng quẫn, ông Ở thành thật: “Xe tôi tốt lắm nhưng tôi để bán chứ không chạy, cậu có ai giới thiệu cho tôi, tôi cho cậu 200 uống cà phê”. Sau lời đề nghị, người này đến xem xe, hứa chiều hôm sau sẽ xuống ra giá.
Ông Ở kể: “Hôm sau, đúng 6h chiều, người này xuống thật. Anh ta xem xe rồi bảo tôi đưa chìa khóa. Tôi làm theo. Anh này cầm chìa khóa xe xem tới xem lui rồi khởi động xe chạy thử. Sau đó, anh ta lại hẹn chiều mai vào giờ này sẽ đem tiền xuống lấy xe. Tôi không chút nghi ngờ mà còn mừng rằng sẽ bán được xe, có tiền trang trải khó khăn. Ai ngờ, khuya hôm đó, tôi suýt mất mạng trong một vụ cướp có tổ chức”. Theo lời ông, mặc dù không nghi ngờ người thanh niên vừa xuống xem xe của mình nhưng vốn tính cẩn thận, lão nông vẫn kỹ lưỡng khóa cổ xe, dùng xích khóa bánh trước vào cột căn chòi chăn bò ngoài đồng.
Khoảng 2h sáng hôm sảy ra vụ việc, ba tên cướp trang bị mã tấu bí mật áp sát nhà lão nông đơn độc đang ngủ trong căn chòi chăn bò ngoài đồng trống. Trong lúc hai tên cầm mã tấu đứng canh bên cạnh giường, đề phòng lão nông thức giấc, tên còn lại dùng chìa khóa mở cổ, xích, dắt xe ra ngoài. Ông Ở cho biết: “Lúc đầu tôi không hiểu vì sao chúng có được chìa khóa mở xe tôi, ngay cả ổ khóa tôi dùng để xích bánh xe vào cột cũng bị nó mở. Sau này tôi mới biết, hôm nó xuống tôi xem xe, mượn chìa khóa khởi động xe, chúng đã lấy dấu chìa khóa để đánh ra chìa khóa khác rồi”.
Trận đấu sinh tử ở tuổi 85
Ông Mai Văn Ở rùng mình kể lại: “Đêm hôm đó, tôi ngủ rất say, nếu chúng không tham lam thì chắc tôi đã mất của. Trong lúc say ngủ, tôi nghe tiếng: “Nhớ lấy luôn giấy tờ xe nha” nên giật mình hỏi: “Ai đó?”. Ngay lúc đó, tôi thấy hai thanh niên cầm mã tấu gằn giọng: “Đ.M thằng già nằm im. Lên tiếng tao chém chết mẹ mày giờ”. Lúc này, tôi mới biết mình bị cướp. Trong lúc hoảng loạn, tôi thấy có người đang dắt lui xe tôi ra khỏi chòi. Vì lối ra hẹp, căn chòi cũng chật chội, thằng này không quay xe được, phải đi lui ra. Khi bị hăm dọa đòi chém, tôi nghĩ nếu mình nằm im chắc gì nó đã tha nên liều mạng từ từ ngồi dậy, lui vào góc nhà”.
Theo lời ông, mục đích của hành động này là để tránh sự manh động bất ngờ của hai tên cướp, đồng thời tạo ra khoảng cách an toàn. Ông cho biết: “Khi mình đang nằm, nếu chúng chém tới, không gian hẹp, mình thất thế có thể vừa mất của vừa nguy đến tính mạng.Tôi lui về sau để tạo ra khoảng cách có thể tránh được lưỡi dao đồng thời tìm đến vị trí tôi đã để sẵn cây tầm vông dài làm vũ khí. Sau khi tạo được khoảng cách an toàn và biết chắc cây tầm vông được vót nhọn nằm trong tầm với, tôi chưa vội xoay người lấy cây vì sợ nó chém từ phía sau. Trong lúc chúng không để ý, tôi bất ngờ tung chân đá trúng một thằng văng xa ra đồng thời quay người lấy cây tầm vông sẵn sàng tử chiến”.
Khi ông lão vừa rút được cây, hai tên cướp cũng vừa lấy lại tinh thần, cầm mã tấu lao đến chém. Căn chòi hẹp, thấp, ông lão ở tuổi 85 không thể vung cây đánh trả mà chỉ đón đỡ. Ông kể: “Nhà thấp, không đánh trả được, tôi chỉ dùng cây đỡ, vừa đỡ vừa lựa thế thọc vào mặt, bụng, ngực tụi nó để đẩy tụi nó ra ngoài cho có không gian đánh trả. Sau ít phút, tôi gạt được dao một tên rồi lao tới đâm mạnh cây vào ngực của nó. Lúc này, tôi đã áp sát, máu từ ngực nó nhuộm đầy áo tôi. Nó gục trúng thằng đang dắt xe. Thằng còn lại, hoảng hồn xách dao chạy ra ngoài. Lúc này, thằng bị đâm gần như bất động, chỉ khi tôi rút cây ra khỏi người nó, nó mới lồm cồm bò dậy chạy ra ngoài. Ngay khi thằng này chạy ra, thằng dắt xe đã đứng dậy được, sợ nó phản kháng, tôi rút cây quỳ gối xuống đánh vào lưng nó tới tấp.
Trúng đòn, nó chạy ra ngoài. Tôi rượt theo thì vấp phải vũng bùn, té xuống khiến tôi lên máu, người mềm oặt. Thấy thế, hai thằng không bị đâm cầm mã lao tới chém, thất thế, tôi cố nhoài người với vào gầm giường lấy cặp nhị khúc giơ lên đỡ. Vừa đỡ, tôi vừa la “chém hả, chém hả” để trợ uy. Sau đó, tôi đánh trả, cả hai đều bị côn của tôi đánh trúng sườn non, ngực, lăn ra ngoài. Lúc này, tôi mới tri hô, cả đám bỏ chạy vào khu gò mả trốn biệt. Bây giờ già rồi, lại hay lên máu, nhà quá hẹp, thấp nên tôi không thể dùng côn khống chế chúng, chỉ có thể đón đỡ và phản đòn chứ nếu ở chỗ rộng, còn đủ sức, với cặp côn này, tôi có thể hạ chục thằng như bọn nó”.
Theo lời ông, nếu không có sự chuẩn bị trước, có lẽ ông đã mất mạng. Chỉ những vết chém nhằng nhịt trên cặp nhị khúc bằng gỗ dầu nặng trịch, ông Ở cho biết: “Lâu lắm tôi không còn múa côn nữa. Trước đây, tôi xài cặp côn đổ bằng nhôm nặng hơn 3kg, sau này già yếu mới chuyển sang cái này. Tôi chế cái này sau khi chứng kiến bọn trộm chó leo rào vào nhà, chích điện, lôi con chó béc –giê to lớn đi bán. Tôi nghĩ, con chó là loài khó bắt trộm mà nó còn bắt được huống chi mấy con bò của mình. Hơn nữa, ít tháng trước khi sảy ra vụ của tôi, ông bạn cách nhà tôi mấy căn chạy xe ôm cũng bị cướp. Sợ quá, tôi thủ cái này. Trước đây, với cặp côn này, một phút, tôi đi được hơn 200 ngọn thì chục thằng cướp xài mã tấu cũng không ăn nhằm”.
Sau chiến tích thần kỳ ở tuổi 85, ông lão hiền hậu, nghèo túng được nhiều người biết đến, các võ sư, người mê võ thuật ùn ùn kéo đến xin học “nghề”. Tuy nhiên, với lý do tuổi cao sức yếu, đã bị xé bằng võ sư từ dạo đấu ở Đà Nẵng, ông không muốn bộc lộ thân phận mà chỉ ao ước cuộc sống bình lặng, giản dị.
Từng được mời đi làm du đãng, đánh thuê
Bà Phạm Thị Loan, vợ ông Mai Văn Ở cho biết: “Mấy hôm sau vụ đánh cướp, ông nổi tiếng hẳn, ngoài báo đài, các em học võ, võ sư tìm ông hỏi chuyện còn có cả cánh xe ôm bị du đãng ăn hiếp. Có một lần, một anh xe ôm cũng là bà con lối xóm bị mấy tên du đãng đánh đến đưa ông hai triệu bảo ông ra mặt trả thù. Ông nhà tôi bảo: “Tất cả là do tâm tính của chú thôi. Mình sống tốt không ai đi đánh mình cả. Tôi già rồi, chú đến tôi chơi thì tôi vui, tôi quý lắm nhưng kêu tôi đi làm du đãng thì chắc là tôi không làm được”. Nói vậy, nhưng sau này, ông cũng tìm đến mấy người kia nói chuyện phải trái, ai cũng nể ông già mà hiểu biết đúng sai nên bỏ qua mọi xích mích”.
Võ học phải đi với đức
“Cho tới nay, sống gần hết đời người, không mấy ai biết tôi biết đánh võ. Ở trong xã này người ta chỉ biết tôi là một ông lão chăn bò, chăn vịt đói khổ là vì khi học võ phải học cái đức, không có đức thì học võ rất dễ mang nghiệp vào thân. Tôi chứng kiến điều ấy khi tự tay chôn ông Bảy “trộm”. Ông ta là một người có nghề võ hơn người, một đời cướp bóc nhưng không để đức nên đến khi chết không có được cái hòm mà chôn. Ông sống sung sướng từ của cải cướp bóc nhưng khi chết chỉ mang được cái chiếu quấn xác mà thôi”.
HẾT.
Dẫn theo HÀ NGUYỄN - NGỌC LÀI