Nỗi thương nhớ mẹ thôi thúc cậu bé 8 tuổi rời bỏ trại mồ côi, lao mình vào kiếp bụi đời nhiều cám dỗ. Để tồn tại, nuôi ước mơ tìm mẹ, cậu bé phải đi ăn cơm thừa, nhập băng nhóm, học móc túi cho đến khi quỵ ngã vì đói. Nhưng, với một nghị lực phi thường, “thằng bé lang thang” trở thành người bác sĩ được nhiều người quý trọng. Thấm nỗi đau mất mát, sự chua chát của cuộc sống đói nghèo, anh kiên quyết từ chối nhiều mức lương khủng chỉ để có thời gian trả nghĩa cuộc đời bằng nhiều hành trình khám chữa bệnh, cấp phát thuốc, … xuyên quốc gia.
Tuổi thơ cay đắng
Tôi may mắn hẹn được bác sĩ Trương Thế Dũng, trưởng đoàn y bác sĩ tình nguyện Niềm Tin tại TP.HCM khi anh đang lên kế hoạch thực hiện những chuyến đi thiện nguyện. Giữa bộn bề phố thị, anh được người nghèo, trẻ mồ côi kính trọng, yêu thương gọi bằng cái tên “bác sĩ niềm tin”, bác sĩ “bụi đời”. Anh cho biết, mình chết danh “bác sĩ bụi đời” không phải bởi từ khoảng đời cơ cực, ăn xin, học nghề móc túi, … mà bởi anh luôn phong trần, gần gũi nhất có thể khi tạm cất chiếc áo blouse trắng.
Bác sĩ Trương Thế Dũng trong một lần cấp phát thuốc cho trẻ em vùng khó khăn (Ảnh: Nhân vật cung cấp)
Anh cho biết: “Lúc tôi lên 8, tôi được gửi vào cô nhi viện để có người nuôi sống. Tại đây, tôi cũng phải lao động để có cái ăn. Vì còn quá nhỏ, lại thiếu ăn, tôi còi cọc, xanh xao nên được giao việc xỏ mành trúc. Tuy nhiên, đó không phải là nguyên nhân khiến tôi rời bỏ cô nhi viện, chọn chốn bụi đời. Tôi đi vì tôi nhớ mẹ. Tôi muốn tìm mẹ tôi”.
Anh cho biết, lúc ấy, anh cũng không biết mẹ của mình đang ở đâu. Nhưng nỗi nhớ mẹ, khát khao tình yêu gia đình thúc giục anh rời đi. “Cô nhi viện thời đó không chỉ dành cho những đứa trẻ mồ côi mà còn có cả những đứa trẻ có đủ cả cha lẫn mẹ. Vì lý do nào đó, họ buộc phải gửi con vào đây. Cuối tuần, cuối tháng, họ lại lên thăm con, gia đình xum họp. Thấy cảnh ấy, tôi buồn lắm, tôi thương nhớ mẹ tôi nhiều nên tôi quyết đi tìm bà. Đó cũng là lúc tôi chạm cuộc sống bụi đời”, bác sĩ Dũng cho biết.
Để nuôi sống bản thân, nuôi sống hy vọng tìm mẹ, Dũng lang thang bên nhà ga xe lửa, chọn nghiệp ăn xin làm đường mưu sinh. Quá nhỏ, chưa biết ngỏ lời xin, Dũng lang thang, lần mò đến quán ăn, đợi khách ăn xong để nhặt cơm thừa cá cặn. “Tôi sống lay lắt như vậy được vài hôm thì gặp một cô bán cơm. Cô này sáng nào cũng gánh cơm ra bán. Thấy tôi tội nghiệp, cô cho tôi rửa chén phụ, bán trà đá để có bữa ăn qua ngày. Thế rồi cũng không được bao lâu. Ít hôm sau, không hiểu sao, tôi không thấy cô bán nữa. Tôi quay lại kiếp ăn đồ thừa cho đến ngày gặp cô H. “cá sấu”, bác sĩ Dũng nhớ lại.
H. “cá sấu” lúc bấy giờ được biết đến như một “đàn chị” có tiếng Đà thành, thâu tóm hàng trăm “đàn em” lớn nhỏ. Thấy Dũng ốm yếu nhưng toát vẻ thông minh, lanh lợi, H. “cá sấu” quyết định thu nạp “thằng nhóc” đen đúa, ốm yếu vào băng để truyền nghề móc túi. Anh chia sẻ: “Hình như tôi có duyên với bụi đời nhưng không có duyên với trò trộm cắp. Tôi được anh, chị trong băng truyền dạy cách móc túi một cách đơn giản nhất là làm cho người ta không tập trung, chú ý đến mình để lợi dụng sơ hở trộm đồ. Thế nhưng, tôi cũng không học được mà toàn bị người ta bắt, đánh mấy lần”.
Thông minh nhưng không thể “thành nghề”, Dũng dần bị đàn anh, “bà trùm” ghẻ lạnh, đuổi khỏi băng nhóm. Dũng trở lại kiếp lang bạt, tối về lòng chợ ngủ, sáng ra đi ăn xin, ăn mót ngoài chợ, nhà ga sống qua ngày. Vào một ngày bão nổi, cơn đói dồn đuổi, bức Dũng phải rời khỏi nhà hoang đi ăn mót. Nhưng bão lớn, quán xá nào cũng vắng khách, không có người ăn. Đói, lạnh, Dũng kéo lê bước chân, cố chống chọi với những luồng gió bão trên đường ray cho đến khi rã rời, ngã quỵ, bất tỉnh.
Không muốn trẻ sơ sinh chịu nỗi đau mồ côi, bác sĩ Dũng nhận nuôi, chăm sóc trẻ bị bỏ rơi (Ảnh: Nhân vật cung cấp)
“Khi tỉnh dậy, tôi thấy mình nằm trong một căn phòng rất ấm. Xung quanh toàn giấy tờ và có nhiều cô, chú công an. Tôi hốt hoảng vì nghĩ mình bị bắt. Nhưng có một anh công an tên Tuấn đến gần tự giới thiệu và nói là tìm thấy tôi ngất bên đường ray khi anh đi tuần mấy tiếng đồ hồ trước. Anh hỏi hoàn cảnh tôi, bảo tôi cứ ở đây cho khỏe rồi anh ấy sẽ dẫn tôi về nhà khi nghỉ cuối tuần. Đó là anh Trương Minh Tuấn một trong những người thay đổi cuộc đời tôi mãi mãi”, bác sĩ Dũng nhớ lại.
Trả nghĩa cuộc đời
Cuối tuần, anh công an xã dẫn cậu bé ăn xin về nhà, gửi gắm cho cha mình nuôi nấng, chăm sóc. Tại đây, Dũng được giao nhiệm vụ chăn 2 con trâu đực chủ lực của gia đình.. Ngày chăn trâu, đêm về, Dũng lại học lỏm với anh em của Tuấn. Mặc dù học lỏm, “học ké” sách vở người khác, Dũng lại sớm bộc lộ trí thông minh, sáng dạ kỳ lạ. Một trong những người người đầu tiên phát hiện sự ham học, sáng dạ vượt bậc của Dũng là giáo viên Phan Thị Trúc (cô giáo tình nguyện ở miền xuôi lên-PV).
Bác sĩ Dũng nhớ lại: “Chị Trúc thương tôi lắm nên tình nguyện dạy tôi không công tại nhà. Sách vở, phấn, bút, … đều một tay chị lo cho tôi. Đến khi đi thi lên cấp 3, vì tôi không đi học chính quy, không có học bạ nên gặp nhiều khó khăn cũng một tay chị “chèo lái”, giúp tôi được dự thi. Tôi đỗ. Từ đó, tôi được đi học một cách đàng hoàng hơn”. Thời điểm ấy, mặc dù phải đạp xe vượt đèo Le tuần 2 lần xuống huyện, đi mót lúa, nhổ khoai, lặt đậu, … để có cái ăn nhưng Dũng vẫn xuất sắc tốt nghiệp cấp 3. Thậm chí, trong kỳ thi đại học, anh cũng tạo ra sự bất ngờ lớn khi một lúc thi đỗ 2 trường đại học.
Vì không lúc nào hình ảnh người lương y áo trắng của mẹ không hiện lên trong tâm trí anh nên anh quyết định chọn học ngành y. Để nuôi chữ, Dũng quăng mình ra xã hội, lăn vào làm thuê, lám mướn, chạy xe ôm, … Năm 2000, sau khi tốt nghiệp, Dũng muốn thử sức ở môi trường mới nên quyết định vào TP.HCM học hệ chuyên tu tại đại học Y Dược TP Hồ Chí Minh, ngành bác sĩ đa khoa.
Anh nhớ lại: “Lúc tôi còn đi học, không ai nghĩ tôi đang học bác sĩ đâu bởi tôi đen đúa, gầy ốm như thằng nghiện vì đi làm đủ nghề kiếm sống. Ban đầu, tôi quảy một "mớ tùm lum" gồm kính, bật lửa, đồ chơi con nít... đi bán dạo. Sau đó lại quay sang bán tập ở vỉa hè. Bị công an “hốt”, tôi chuyển qua làm bồi bàn phục vụ quán ăn, rảnh rỗi thì chạy xe ôm kiếm thêm, …”. Bằng một nghị lực phi thường anh tốt nghiệp đại học Y Dược TP Hồ Chí Minh và được nhiều bệnh viện có tiếng mời gọi về làm việc với mức lương khủng. Thế nhưng, lúc này, chàng cử nhân mới tốt nghiệp đã chạy theo một ước mơ, mục đích sống khác là trả nghĩa cuộc đời.
Không chỉ bó hẹp trong nước, bác sĩ Dũng cùng đoàn từ thiện còn khám chữa bệnh từ thiện xuyên biên giới (Ảnh: Nhân vật cung cấp)
Anh từ chối các mức lương cao, tình nguyện làm việc cho một tổ chức nhân đạo trên đường Phạm Văn Chiêu (quận Gò Vấp, TP.HCM) chuyên chăm sóc các bệnh nhân nhiễm HIV giai đoạn cuối. Từ đây, duyên số đã gắn kết anh với những mảnh đời bất hạnh. Mất mát từ nhỏ nên thấm nỗi đau ấy nên khi thấy những đứa bé mồ côi, người già không nơi nương tựa, … anh đều tìm mọi cách giúp đỡ. Lúc còn là sinh viên, anh biến căn nhà thuê để bán đĩa thành “phòng trọ” cho mấy cụ già neo đơn, mấy bé mồ côi, … Đặc biệt, anh luôn có mặt kịp thời, can thiệp, khuyên giữ lại khi phát hiện sinh nữ có thai ngoài ý muốn và có ý định bỏ con.
Anh nhớ lại: “Có một lần, khi tôi khuyên cô gái không nên phá thai, cô ấy quặc lại bảo: “Tôi để anh có nuôi không mà can”. Thương đứa bé, tôi nhận lời nuôi. Cứ thế, sau này tôi nhận hết những đứa bé bị cha mẹ ruồng bỏ, trẻ mồ côi về nhà nuôi. Đến giờ, một số bé đã được cha mẹ nhìn nhận, nhận về nuôi, còn một số bé, tôi vẫn nhận làm con nuôi và chu cấp cho các em.” Để nhân rộng mô hình từ thiện, năm 2008, bác sĩ Trương Thế Dũng thành lập Đoàn y bác sĩ khám, chữa bệnh từ thiện Niềm Tin.
Mỗi cuối tuần, anh và những thành viên trong đoàn lại rong ruổi về vùng sâu, vùng xa, thậm chí vượt biên giới sang Campuchia, Lào, … để khám chữa bệnh, cấp phát thuốc miễn phí, … Đến nay, một ngày của anh bắt đầu bằng việc khám chữa bệnh và kết thúc khi phụ giúp ở các trung tâm HIV cho tới tận hai đến ba giờ sáng. Đôi khi, anh cũng dẫn về nhà, gửi vào các cô nhi viện vài đứa trẻ “bụi đời”.
Dẫn theo NGUYỄN HERI