DANH MỤC

Tạm biệt Hắc hổ của 18 thôn vườn trầu

Lượt xem: 4232 -

Người đứng đầu “ngũ hổ” 18 thôn vườn trầu – Hóc Môn nổi tiếng một thời – Chưởng môn phái Hắc hổ Thiết quyền đạo - Trần Hữu Hoàng đã rời bỏ cõi tạm vào ngày 22/11 sau một thời gian lâm bệnh. Sự ra đi đột ngột của vị lão võ sư sáng lập ra môn phái Hắc hổ Thiết quyền đạo đã để lại sự tiếc thương vô hạn của gia đình và đông đảo các học trò của ông.

Học trò Lê Thành Trung cùng một số huynh đệ đã luôn bên cạnh người thầy của mình, cùng nhau chăm sóc trong suốt thời gian võ sư Hoàng lâm bệnh.

Cố võ sư Trần Hữu Hoàng là người khai sinh ra môn phái Hắc hổ Thiết quyền đạo vào năm 1960, dựa trên những nghiên cứu võ học của ông nội và cha ông để lại.

Võ sư Trần Thanh Quang, Phó Chưởng môn Hắc hổ Thiết quyền đạo (cũng là người em thứ 7 của cố võ sư Hoàng) thay mặt gia đình cảm ơn mọi người và đông đảo học trò, có người tuy ở rất xa nhưng vì tình nghĩa thầy trò mà đến đây, đó là một tấm chân tình rất đáng ghi nhớ.

Trong bộ võ phục của môn phái, các học trò của Hắc hổ Thiết quyền đạo đã thực hiện những nghi thức thiêng liêng nhất để tiễn đưa người thầy đáng kính của mình.

Trong quá trình phát triển võ học cổ truyền của dân tộc, cố võ sư Trần Hữu Hoàng cùng các đệ tử có tâm huyết đã từng bước gầy dựng võ đường ở nhiều nơi. Đến nay, môn phái Hắc hổ Thiết quyền đạo đã phát triển được nhiều võ đường cả trong và ngoài nước, thu hút khoảng 5.000 môn sinh theo học. Đặc biệt, các võ đường ở Pháp và Mỹ thu hút khoảng 2.000 môn sinh nước ngoài tích cực luyện tập. Riêng võ sư Trần Hữu Hoàng đã tham dự nhiều giải đấu quốc tế, gặt hái được nhiều thành tích cao, trong đó có bằng khen của Tổng hội phát triển võ thuật thế giới về “Những thành tích đã đóng góp vào sự phát triển võ thuật của người Việt Nam trên toàn thế giới”.

Đặc biệt, Năm 1970, ông được Tổng Cục quyền thuật Việt Nam cấp bằng võ sư, đồng thời được chấp chưởng môn phái khi mới tròn 30 tuổi.

Môn phái Hắc hổ Thiết quyền đạo lấy sự dung hòa  giữa dòng võ cổ truyền Bình Định với những tuyệt kỹ  võ học Thiếu Lâm bắc phái để xây dựng nên một hệ thống kỹ thuật quyền cước tương đối toàn diện.

Sinh thời, vị Chưởng môn của Hắc hổ Thiết quyền đạo luôn dạy học trò của mình nêu cao tinh thần thượng võ, võ học phải gắn liền với võ đạo, phải thể hiện bằng những hành động tốt đẹp, cao thượng trong cuộc sống.

Có mặt tại buổi tiễn đưa thầy, võ sư Tô Văn Sơn (HLV Hắc hổ Thiết quyền đạo tỉnh Thái Bình) không khỏi xúc động: “Tôi theo học võ với thầy Hoàng và thầy Quang từ năm 1993. Thầy không chỉ dạy tôi học võ để rèn luyện sức khỏe mà còn được rèn luyện đạo đức, nhân cách, phong cách từ những bài học trong thực tiễn”.

Anh Sơn cũng cho biết thêm, hiện nay môn phái Hắc hổ Thiết quyền đạo tại tỉnh Thái Bình do anh huấn luyện phát triển rất mạnh mẽ với 20 lò võ, ngoài ra còn phát triển vào Đắc Lắc thêm 6 võ đường. Các võ sinh của môn phái đã tham dự các giải đấu của tỉnh, các liên hoan, giải vô địch 36 tỉnh phía Bắc… và đều đạt được những giải thưởng cao.

Tôi còn nhớ như in những lần làm việc cùng cố võ sư Hoàng của 4 năm về trước. Khi đó lão võ sư đứng đầu Hắc hổ Thiết quyền đạo vẫn còn khỏe mạnh lắm, mà như ông tâm sự là do “ngọn lửa võ học trong tôi chưa bao giờ cạn”. Trong bộ võ phục của môn phái đầy hào khí, ông cùng với người học trò Lê Thành Trung đối luyện bài binh khí “Song đấu đao với kiếm” với những đòn thế phòng thủ - phản công sắt lẹm, đầy uy lực. Rồi ông hướng dẫn các môn sinh “nhí” luyện tập, nói chuyện với các HLV, hướng dẫn các bài quyền, phân tích từng đòn thế một, để chúng tôi thoải mái ghi hình, chụp ảnh trong không khí rất vui vẻ, hòa đồng.

 

Nay thành kính thắp nén nhang lòng tiễn đưa vị võ sư đáng kính, người đứng đầu Hắc hổ Thiết quyền đạo một đoạn đường…/.

Nghĩa Sơn

 

CÁC TIN LIÊN QUAN