DANH MỤC

Lật mở những đoạn đời du đấu võ đài mưu sinh của ông lão chăn bò từng đánh gục ba tên cướp giữa đêm ở tuổi 85 (phần 2)

Lượt xem: 962 -

Kiếm cơm bằng những trận đấu “máu”

Không nghề nghiệp, Mai Văn Ở lang bạt khắp các tỉnh miền Tây Nam Bộ làm thuê kiếm sống. Trong suốt hành trình mưu sinh ấy, không ít lần ông phải bước trên mồ hôi và máu của mình. Ông kể: “Thời buổi khó khăn kiếm việc cũng khó. Xin việc không được, tôi buộc phải tìm cách đấu võ đài để lấy tiền độ sinh sống qua ngày. Lúc ấy, tôi cũng không biết mình có đủ sức để thắng người ta không nhưng cái nghèo cái đói nó xô đẩy thì phải làm. Tôi nhớ trận đầu tiên là đánh với võ sĩ Châu Văn Tiếp người Miên ở Rạch Giá. Lúc đó, tôi mới 18 tuổi”.

Theo ông, Châu Văn Tiếp da sậm màu, to cao hơn ông rất nhiều. Đặc biệt, võ sĩ này có lối đánh rất lạ cùng một sức chịu đòn kỳ diệu. Trong các cuộc đấu võ đài thời điểm đó, các võ sĩ không có nhiều thời gian để tìm hiểu nhau. Cả hai được thỏa thuận sẽ không trả thù, ghi hận khi bị đối phương đánh trọng thương. Trong lần đấu đầu tiên vì thiếu kinh nghiệm, nhiều lần ông bị Châu Văn Tiếp gỡ thế, phá đòn. Tuy nhiên, sau nhiều lần trúng đòn, ông nhận ra rằng nếu không áp sát được thì không thể quật ngã được đối thủ. Tuy nhiên, áp sát là một việc rất mạo hiểm, nếu không cẩn trọng có thể bị những đòn đá, cùi chỏ của Tiếp đánh gục.

Sau ít phút thăm dò, Mai Văn Ở quyết định nhập nội bằng các kỹ năng được học trên Thất Sơn. Bất ngờ với lối đánh lạ và sự dũng cảm khác thường của đối thủ, Tiếp sơ hở để Ở áp sát. Bất thình lình, ông dùng các đòn tay khóa chặt đối thủ rồi thúc gối liên tục vào mạn sườn của Tiếp. Mặc dù nổi tiếng giỏi chịu đòn, Châu Văn Tiếp cũng bị Mai Văn Ở thúc văng xuống sàn, hộc máu mồm sau những đòn gối liên hoàn vào sườn non, ngực, bụng. Trúng đòn nặng, sau ba hồi chuông, Châu Văn Tiếp không thể đứng dậy. Mai Văn Ở có được chiến thắng khó nhọc đầu tiên và bỗng chốc nổi tiếng vì có thể thắng tuyệt đối võ sĩ người Miên từng được xem là bất bại.

Sau trận đầu tiên ngập tràn dư vị thắng lợi, Ở được nhiều người trông chờ trong nhiều trận đấu tiếp theo để được mãn nhãn với những đòn thế, bài quyền, chiêu thức lạ lẫm, bí ẩn của người võ sĩ trẻ. Ông Ở kể: “Tôi học võ từ nhỏ với thầy Mai Hiền Thôn ở Sa Đéc, lớn lên lại lang bạt, thấy người hay thì xin học nên võ của tôi hội tụ nhiều môn phái, đặc biệt là võ Thất Sơn thành ra hơi khác lạ. Nhưng tôi không bao giờ muốn đi theo nghiệp đấu võ đài và chỉ đấu khi không còn lựa chọn nào khác. Phần lớn là đấu vì thiếu tiền sinh nhai hoặc rơi vào hoàn cảnh đặc biệt. Một trong những lần như thế là khi tôi bị bỏ rơi ở Đà Nẵng”.

Ông cho biết, sau khi chiến thắng các trận đấu võ, ông về Sài Gòn ở đợ rồi trở thành phụ xe cho một hãng xe chạy tuyến TP.HCM – Đà Nẵng. Trong một lần theo xe ra Đà Nẵng, ông bị chủ xe bỏ rơi tại đây vì muốn quỵt tiền lương. Không tiền, không người thân thích, Mai Văn Ở lại lang thang trong tủi nhục. Để có tiền ăn cơm, ông lại tìm cách thượng đài đấu võ. “Trong lúc đang không biết làm gì thì tôi nghe được tin Quận trưởng Đà Nẵng mở hội đấu võ đài. Tôi liền đến đăng ký với hi vọng có thể kiếm được tiền độ để bắt xe về lại Sài Gòn. Lần này, tôi gặp võ sư Huỳnh Nguyễn thuộc phái võ Tây Sơn Bình Định. Người này ra đòn rất hiểm ác. Sau một hồi thăm dò, tôi thấy không thể thắng bằng võ mà chỉ có thể thắng nhờ mưu phải tìm cách lựa được điểm yếu đánh một đòn hạ luôn mới xong.

Nhưng trong lúc bất cẩn khi tôi vung chân đá thì bị Huỳnh Nguyễn bắt được. Nếu cố gắng trụ vững, đối thủ ập tới khóa chân, ra đòn thì tôi chết chắc. Để gỡ chỉ còn cách giả vờ té xuống sân. Theo luật, nếu võ sĩ bị ngã trên sàn đấu thì cuộc đấu phải dừng. Tôi nghĩ đây là cách tốt nhất để đưa mình ra khỏi thế hiểm nhưng ai ngờ, khi tôi đang nằm lăn dưới sàn, Huỳnh Nguyễn không dừng lại mà vung chân nhằm hạ bộ tôi đạp mạnh xuống. Tức mình, tôi xoay người dùng đòn hiểm, bất ngờ phóng chân đạp mạnh vào hạ bộ của y khiến y văng ra xa. Say đòn, tôi lao lên đè hắn xuống đánh cho hộc máu. Sau trận này, ông phạm luật và ra đòn hơi ác nên bị xé bằng võ sư. Tôi cũng không buồn lắm vì vẫn được tiền thắng độ”, ông Ở cho biết.

Ảnh 2: Lão nông nghèo chỉ các vết sẹo chằng chịt trên cánh tay sau những ngày lăn lộn chốn giang hồ mưu sinh.

Mười ngày ở khám Chí Hòa

Sau trận xuống tay khá nặng và bị xé bằng hành nghề võ, Mai Văn Ở lặng lẽ bắt xe trở về TP.HCM tiếp tục phận ở đợ trong một cửa hàng gạo. Ông cho biết: “Ở đợ thì không có tự do nhưng mình không có giấy tờ xin việc cũng khó nên muốn làm thuê ít năm để tích góp. Sau sáu năm ở đợ, tôi quyết định nghỉ việc. 28 tết năm đó, tôi lĩnh một lúc sáu năm tiền lương ở đợ. Đó là lần đầu tiên, tôi được nhận một số tiền lớn đến vậy, tiền của tôi đựng đầy cả một chiếc nón lá. Tôi mua một chiếc xích lô máy để chở thuê ngoài chợ Cầu Muối”.

Tuy nhiên, nghiệp chở thuê của anh xích lô máy cũng không suôn sẻ. Ngay ngày đầu chạy xe, anh đụng phải sự tranh giành, bảo kê bến bãi của các băng nhóm giang hồ. Ông Ở kể: “Hôm đó, khi tôi đang chất hàng lên xe thì đã thấy một đám người ngồi nhậu trên vỉa hè nhìn đểu. Chúng không làm gì cho tới khi tôi chất đầy hàng lên xe. Sau khi tôi khổ cực chất hàng xong, đạp máy chạy được một đoạn thì đám người này bảo tôi vác hàng xuống. Tôi nói: “Lúc tôi chất hàng, các anh cũng thấy sao không bảo tôi dừng, giờ tôi khó khăn lắm mới chất được như vậy, các anh bảo tôi gỡ xuống, tôi không làm đâu”. Sau câu nói ấy, tôi bị người này đạp văng ra xa.

Chưa kịp thủ thế, một tên khác lao tới, dùng dao rọc mía to đùng chém tới. Quá bất ngờ, tôi chỉ còn cách đưa tay lên đỡ, dao chặt tới xương. Vết thương này vẫn còn sẹo. Trong lúc trúng đòn, tôi tung chân đá nó văng ra xa để thủ thế. Sau đó, tôi xé vạt áo quấn vào vết thương để cầm máu rồi lao vào đánh, chém cả đám hơn chục tên. Tôi đánh, đuổi dài tới chợ Cầu Muối”. Tại đây, lần đầu tiên ông giáp mặt các đại ca bảo kê chợ. Tuy nhiên, phục nghề võ cũng như sự ngoan cường của anh thanh niên trẻ, họ không những không đánh Ở mà còn cho phép anh tự do mưu sinh chợ.

Trong cuộc đời phiêu dạt của mình, nhiều lần Ở được mời gọi gia nhập các băng đảng giang hồ nhưng ông luôn từ chối. Từ những lần trọng nghĩa với giới giang hồ, ông phải một lần vào khám Chí Hòa. Ông Ở chia sẻ: “Đó là một kỷ niệm rất vui và lạ. Tôi ở đúng 10 ngày trong tù thì đất nước giải phóng. Tôi mừng vui khôn xiết. Lần đó, tôi mang tội chứa chấp du đãng là đại ca Hùng “đôla”. Người này là một tay giang hồ cộm cán có cả súng, chuyên buôn ma túy, giết người vô số nhưng đa số là người Mỹ và là bạn rất thân của tôi. Tôi bị bắt với tội danh chứa chấp tội phạm nguy hiểm”.

Những ngày tù tội, ông cảm nhận được sự tàn khốc của chốn địa ngục trần gian. Tuy nhiên vì cái uy của Hùng “đôla” quá lớn, ông được sống trong sự bao bọc của các tay đại bàng. Ông cho biết: “Trong tù không ai dám đụng chạm đến chúng tôi. Hơn thế , chúng tôi được chăm sóc rất tốt. Sau khi quân giải phóng đánh vào Sài Gòn, khám Chí Hòa được giải phóng. Lúc này, rất nhiều tù nhân leo rào nhảy ra ngoài mà không biết các hàng rào đều chôn bom, lựu đạn. Rất nhiều người đã chết. Tôi may mắn hơn thoát ra được. Về sau này, vì tôi không có tiền án, tiền sự nên không bị chính quyền mới truy cứu còn Hùng đôla vì giết quá nhiều người nên sau khi thoát ra cũng bị bắt lại và bị đem xử bắn”.

Đấu võ phải có hai cái hòm để sẵn hai bên

Ông Mai Văn Ở cho biết: “Ngày xưa đấu võ đài xem như mình đã đặt chân vào chỗ chết. Trước khi đấu, hai bên ký giao ước không được thù hận, có chết cũng không được truy cứu ai. Trong mỗi trận đấu, hai bên võ đài đều có hai cái hòm để sẵn cho người chết. Rất may cho tôi, trong các cuộc đấu của mình, tôi chưa bao giờ bị hạ gục. Ngoài trận đấu võ sư Ngô Tùng Biện sau năm hiệp mà không bên nào chiến thằng thì các trận khác, tôi đều hạ nốc ao đối thủ ngay hiệp đầu”.

Mời các bạn đón đọc tiếp phần 3...

Dẫn theo HÀ NGUYỄN - NGỌC LÀI

CÁC TIN LIÊN QUAN