DANH MỤC

Ông Sáu hoàn lương

Lượt xem: 1425 -

Không phải là một chiến sĩ công an cũng không phải là một ông trùm về vườn thế nhưng đứng trước ông Lê Công Thượng, nhiều đại ca giang hồ Sài thành đã tình nguyện “gác kiếm”, dừng bước giang hồ. Hơn thế, trong thế giới của những mảnh đời “màn trời chiếu đất”, “ông Sáu hoàn lương” chính là ông Bụt của thế kỷ 21.

Từ nơi các đại ca giang hồ dừng bước

Nép mình sau chùa Miên, căn nhà nhỏ đầy ắp đồng hồ của ông già tuổi thấp thập vẫn ấm áp, tấp nập bước chân ghé thăm của đủ mọi tầng lớp. Trong đó có những đại ca giang hồ khét tiếng. Gặp và tiếp xúc với ông tại quán cơm Thiện Tâm bên góc chùa Miên thuộc quận 3, Tp.HCM, người ta mới thấy được nhân cách lớn của con người từng nhiều lần chạm trán những tay anh chị. Trông dáng vóc của ông Lê Công Thượng, sẽ chẳng ai ngờ, ông từng đứng trước những đại ca Sóc “đen”, một tay giang hồ mang quốc tịch nước ngoài từng vào tù ra tội và là nỗi khiếp đảm của mọi đại ca thế kỷ 21 hay V. “chùa Miên”, một tay anh chị từng khiến đám giang hồ phải nổi da gà mỗi khi anh xuất hiện.

Thế nhưng những con người ấy, sau mỗi lần đứng trước ông đều “buông gươm”, dừng bước giang hồ. Sau những lần như vậy, người dân phường 7, quận 3, Tp.HCM gọi ông là ông Sáu “hoàn lương”. Chia sẻ về biệt tài thu phục các đại ca giang hồ, ông Lê Công Thượng nói: “Tôi không có tài gì cả, tôi chỉ đến với mọi người bằng cái tâm, bằng tấm lòng chân thành, không suy tính, không phân biệt. Đó là cách tôi đi vào thế giới riêng của mọi người. Kể cả những bậc giang hồ, tội phạm”.

Ông Sáu “hoàn lương” tại quán cơm từ thiện Thiện Tâm (ảnh: Hà Nguyễn)

Dù ông kiên quyết không tiết lộ những lần giáp mặt các đại ca trong nhiều hoàn cảnh nhưng kỷ niệm ấy vẫn hằn sâu trong ký ức của đại ca V. “chùa Miên” (tên thật Nguyễn Hoàng V). Thông tin về những đại ca từng được ông Lê Công Thượng thu phục, V. “chùa Miên” kể: “Trước tôi, người đáng kể nhất phải là đại ca của tôi, "Sóc Đen” người thường được giới giang hồ gọi là “đại ca của các đại ca””. “Sóc đen” nổi tiếng cùng cây lưỡi lê bén ngót khiến đối thủ phải gục xuống trong máu đỏ trước khi biết mình chạm mặt với ai.

Thành tích bảo kê, chém giết khiến “Sóc Đen” vào ra trại giam như đi chợ. Tuy nhiên với lý lịch nhiều vết trầy xước, trước ngày tử nạn “Sóc Đen” cũng đã hứa trước ông Sáu quyết tâm rửa tay, xa lánh chốn giang hồ. Ông Sáu nhớ lại: “Tôi gặp trong một đêm tối trời. Lúc này, nó khi nó đã nghiện nặng và vừa ra tù. Ai cũng sợ nó nhưng tôi thì không vì tôi biết nó không hại mình nếu mình sống thật với nó.”. Cách sống thật của ông Sáu thật khác người. Một mặt ông cho con người cố cùng từng một thời ngang dọc kia biết ông sẽ chu cấp cho anh ta nếu anh ta chịu cai ma túy. Trước thách thức của “ông già”, Sóc “đen” vào ở trong căn nhà nhỏ do ông bỏ tiền ra thuê.

Trước tình thương chân thành của ông Lê Công Thượng, Sóc “đen” đã rưng rức nước mắt, cắn răng cai nghiện và hứa trước mặt ông già sẽ hoàn lương, lánh xa chuyện chém giết. Tuy nhiên, không may, Sóc “đen” sớm lìa đời sau một vụ tai nạn thảm khốc. Sau ngày Sóc “đen” ra đi, V. “chùa Miên” được xem là người kế vị. Từng là một đại ca có tiếng và được các bậc đàn anh đi trước vị nể, trước đây, sau 10 giờ khuya không một ai dám đi xe qua khu vực chùa Miên. 

Tuy nhiên, sau những lần tiếp xúc với ông Sáu “hoàn lương”, V. “chùa Miên” cũng tay gác kiếm, dừng bước giang hồ ở cái tuổi rất trẻ. Anh chia sẻ: “Trước đây, tôi hay la cà khu vực này chơi bời. Khi gặp những hành động của ông Sáu dành cho người nghèo. Tôi luôn băn khoăn tại sao ông lại quan tâm họ như vậy, thậm chí ông còn dành cơm của mình, ông bỏ tiền ra mua cơm cho họ ăn”. Nhưng sau lần V. gặp một tai nạn khủng khiếp, V hiểu vì sao mọi người lại yêu thương và nể trọng ông Sáu đến vậy. “V chùa Miên” cứ ngỡ mình đã theo bước  đại ca “Sóc đen” về bên kia thế giới.

Chính ông Sáu đã không tiếc thân, tiếc tiền cứu giúp anh vượt qua cơn nguy kịch. Những lời khuyên nhủ, tác động, mong muốn anh sống lương thiện, bỏ quá khứ “chém đâm” chân thành của ông Lê Công Thượng đã cảm hóa được bản tính chai lỳ của V. Một ngày kia, Nguyễn Hoàng V. tuyên bố: “V chùa Miên” chính thức “gác kiếm”. Và như theo gương ông Sáu, Nguyễn Hoàng V. đem những ảnh hưởng còn lại để hướng “đàn em” theo con đường làm ăn chân chính, lương thiện.

Ngoài những đại ca có tiếng, ông Sáu cũng luôn tiếp xúc, chia sẻ, giúp đỡ những người lầm lỡ vừa được tại ngoại chưa có việc làm. Ông cho biết: “Đôi khi nghe quán có cơm miễn phí nhiều người mới ra tù cũng tìm đến xin cơm xin cả tiền với những lý do khác nhau. Tôi chỉ nói nếu muốn ăn cơm và làm lại cuộc đời thì cứ đến đây còn muốn xin đểu thì kiếm chỗ khác”. Cách đây không lâu “Một phạm nhân vừa mãn hạn tù đã đến đây xin tôi bộ đồ, đôi dép, thậm chí cả điện thoại để đi xin làm bảo vệ. Tôi cho và khuyên nhủ thật nhiều. Thật mừng, anh ta đã xin được một chân bảo vệ và đến giờ đã trở thành người lương thiện”, ông Sáu kể.

V. “chùa Miên” và người cha thứ hai - ông Lê Công Thượng (Ảnh: Hà Nguyễn)

Đến thiên đường của những mảnh đời bất hạnh

Từ rất lâu quán cơm Thiện Tâm đã là nơi nương tựa, gửi gắm những nỗi niềm của những mảnh đời bất hạnh. Với ông, phần cuối cuộc đời là khoảng thời gian ông sống cho những con người bất hạnh. Tại đây, mỗi buổi sáng ngày lẻ trong tuần, người nghèo đói từ khắp nơi trong thành phố kéo về ăn bữa cơm miễn phí. Và với nhiều người khuyết tật, đói nghèo, không nơi nương tựa, …, quán cơm là chốn thiên đường, ông Sáu là ông Bụt.

Ở đây, họ không chỉ được ăn no miễn phí mà còn được ông già chăm chút từng manh áo, viên thuốc, tấm chăn, … Ông cho biết: “Ơ cái tuổi “Thất thập cổ lai hy” (sinh năm 1940), giờ đây niềm vui, niềm hạnh phúc của tôi là được giúp đỡ những mảnh đời đói rách. Và tôi xem những con người đói khổ ấy như chính bản thân mình, như chính ruột thịt của mình”. Chính vì sự thấu hiểu, đồng cảm ấy, ông đã tự kéo mình vào cuộc sống cơ cực của những con người lang bạt, cơ cực này.

Là người gần gũi hơn cả với ông Thượng, anh Nguyễn Hoàng V. tức V. chùa Miên khẳng định: “nhiều lần chứng kiến việc ông Sáu lang thang trên các bờ kè, vỉa hè để tìm và cho cơm những con người cùng đường, không nhà không cửa và mời họ về quán cơm của mình để cho bộ đồ, cho bữa cơm, cho vỉ thuốc, ... Theo những số liệu tôi đọc được từ nhiều trang thông tin, tính đến thời điểm này, ông Sáu đã gửi tặng hơn 9 xe máy và hơn 100 chiếc xe đạp làm “cần câu cơm” cho những “người cùng đường” thậm chí là những tù nhân vừa tại ngoại muốn làm lại cuộc đời”.

Là thực khách thường xuyên của quán, những ông bà, anh chị, em bán vé số, lượm ve chai, xin ăn qua ngày đoạn tháng, những cụ ông, cụ bà bị ruồng bỏ đều khẳng định: ít nhiều được ông Sáu cưu mang. Là người làm từ thiện, thế nhưng ông Thượng luôn hướng con người vào lao động để tự nuôi lấy thân. Đối với những người còn sức lao động, ông giúp phương tiện. Đó có  thể là một chiếc xe lăn cho những người khuyết tật, chiếc xe đạp cho đôi vợ chồng không được tỉnh táo về đầu óc, chiếc xe máy cho anh tù nghèo vừa tại ngoại để chạy xe ôm, …

Cứ như thế, quán dần đông lên. Người đến quán cũng nhiều thành phần với những lý do khác nhau. Sau những ngày mưu sinh bữa no bữa đói, những con người bị cái khổ bủa vây tụ tập về đây để được ăn bữa cơm chay miễn phí, nghỉ ngơi tâm tình cùng nhau tạm quên đi cái khó cái khổ vẫn chực vồ lấy mình. Sâu xa hơn, họ đến như một cách tri ân con người đã sẻ chia, thông cảm, sống cùng những nỗi cơ cực của đời mình. Có được ăn chén, ngồi cùng bàn với những con người ấy, mới thấy được sức mạnh của câu “thương người như thể thương thân”, mới thực sự cảm nhận được niềm vui, niềm tin vào cuộc sống của những con người vẫn đang mò mẫm mãi trong vòng vây của cái nghèo.

Ông Lê Công Thượng thăm và giúp đỡ người khuyết tật cô đơn (ảnh: Hà Nguyễn)

Với mong muốn giúp đỡ dù là rất nhỏ cho những con người mà ông gọi là “cùng đường”, ông Lê Công Thượng đã sử dụng số tiền (hơn 5 tỷ) của người học trò có tâm của mình để mở quán cơm từ thiện Thiện Tâm. Ngoài ra, ông còn được nhận định là người có biệt tài cảm hóa tội phạm, phạm nhân đã mãn hạn tù. Ghi nhận đóng góp trên, ông Đào Công Thức, cảnh sát khu vực P.7, Q.3, Tp.HCM nhận định: “Ông Sáu làm rất tốt công việc cảm hóa những đối tượng tội phạm, phạm nhân mãn hạn tù. Ông tạo công ăn việc làm, hỗ trợ tiền bạc để họ tái hòa nhập cộng đồng, ổn định đời sống, từ bỏ con đường phạm tội”./.

Dẫn theo HERI NGUYỄN

CÁC TIN LIÊN QUAN