DANH MỤC

Nước mắt đèn cầy

Lượt xem: 5584 -

Đám tang bà Út Mót vừa xong, cậu Hòa và cậu Hợp liền từ mặt nhau. Không phải vì tiền phúng điếu. Không phải vì đất đai. Mà vì hai cây đèn cầy.

Cậu Hòa là chủ tịch xã. Mợ Hòa cũng là cán bộ lãnh đạo cấp xã nhưng bên ngành y tế: trưởng trạm y tế xã. Hai con của cậu mợ đều là sinh viên. Gia đình cậu mợ là gia đình công chức kiểu mẫu. Nhiều năm liền được công nhận là gương điển hình trong phong trào xây dựng gia đình văn hóa.

Xuất phát điểm của cậu Hòa là chân văn thư của ủy ban xã. Còn mợ Hòa là y sĩ. Họ cưới nhau hồi đầu những năm Chín mươi của thế kỷ trước. Hai vợ chồng lần lượt theo các lớp chuyên tu, tại chức, trầy trật mấy bận cũng bằng đại học như ai. Thêm cái thẻ đảng viên, bằng cấp chính trị cho đúng qui trình, cuối cùng cậu mợ cũng leo lên được cái vị trí lãnh đạo, dù là cấp xã. Dĩ nhiên là còn nhiều điều kiện không tên khác, chỉ có trời và người trong cuộc mới biết, nếu như có trời.

Mợ Hòa thường tự hào với hai đứa con:

– Không có tao, ba mày giờ này cao lắm là nhân viên tổng hợp hay thằng cha văn thư già cho ủy ban xã này.

Mợ nói rồi cười hăng hắc, nhìn cậu. Cậu nhìn mợ với vẻ mặt đầy sự hàm ơn.

Má của mợ là người thuộc diện “ông ứng bà hành”, có chút khả năng bói toán. Xuất thân trong một gia đình như thế, mợ không thể không tin vào sự trợ giúp của người cõi âm, bùa ngải trong chuyện làm giàu, thăng quan tiến chức. “Bạn nghề” của má mợ rất nhiều. Nghe ở đâu có thầy bà hay, cậu và mợ cũng tìm đến, xa bao nhiêu cũng đến, tốn bao nhiêu cũng chi. Năm nay xuất hành hướng nào, mặc đồ màu gì, …cậu mợ đều làm theo răm rắp. Hơn hai mươi năm, kể từ ngày lấy nhau, mọi chuyện đi đứng, ngủ nghỉ của cậu mợ luôn tuân theo mách bảo của bề trên. Chỉ mong được ăn nên làm ra, thăng quan tiến chức, người người trọng vọng.

Cậu mợ ăn sáng ở một quán cháo lòng vĩa hè. Công chức kiểu mẫu mà. Phải giản dị trong từng chi tiết, nơi ăn uống cũng vậy.

– Xin lỗi ông bà, nhìn ông bà rất phúc hậu, nếu năng giúp đỡ người nghèo khổ, lễ lộc bề trên, sẽ có quý nhân mách bảo cách làm cho hậu vận của ông bà huy hoàng hơn nữa.

Cậu mợ ngừng nhai, ngước nhìn ông vé số già một mắt.

Ông vé số khúm núm:

– Thưa bà, bà có thể đưa tay tôi xem qua một chút được không?

Mợ liếc mắt một vòng rất nhanh. Quán sớm, trống huơ. Chỉ cậu mợ là thực khách đầu tiên. Mợ đưa tay về phía ông già.

Họ nói gì rất nhỏ. Và nhanh. Mợ xé một tờ giấy nhỏ. Viết vội số điên thoại, đưa cho ông già. Kèm theo vài tờ polymer màu đỏ.

Ông già vội vã rời quán.

Cậu gọi tính tiền.

– Dạ thôi, có bao nhiêu đâu, anh cất đi ạ, con gái em là y tá Thơm, mới làm ở trạm y tế mình hơn năm nay, mấy lần em và cháu đến nhà, mà không gặp anh, nhờ chị quan tâm thêm cho cháu ạ. Nhiêu đây có đáng là bao nhiêu đâu ạ.

Cậu cười cười:

– Chị cứ thế này hoài, vợ chồng chúng tôi sau dám ghé đây nữa. Mà thiệt tình, muốn ghé hoài. Vì ngon.

Cậu đút ví vào lại túi quần. Quay lại dắt xe, cười thầm: “Đỡ tốn 50 ngàn”.

Ông vé số đến nhà cậu Hòa vào trưa chủ nhật. Hôm đó là 16 âm. Nhà cậu cúng kiến nhiều mâm khác nhau. Chay mặn đều có cả. Mợ dẫn ông vé số đi một lượt từ trước ra sau, từ trong ra ngoài, không chừa ngóc ngách nào trong nhà. Đi đến đâu ông vé số chắc lưỡi đến đó. Và lắc đầu. Cậu mợ theo sau, lòng lo lắng khôn xiết.

– Nhà nhiều binh gia, bùa ngải khác nhau quá. Chúng đánh nhau hà rầm. Cũng may cậu mợ là người mạng lớn, năng tích đức nên chưa hề hấn gì. Nhưng để lâu sẽ không tốt, nhất là cho con cái và hậu vận sau này.

– …

– Tôi có biết ông thầy này, ổng là trùm giải binh gia, bùa ngải. Chỉ cho phép làm ăn, không hại đến thân. Chỉ cần bỏ trong túi, lúc nào cũng đem theo bên mình là mọi chuyện thuận buồm xuôi gió, cầu gì được nấy. Nhưng mất nhiều tiền, mỗi năm phải đổi phép hai ba lần mới linh.

Cậu nhìn mợ. Mợ nhìn cậu. Họ cũng nhìn về ông vé số một mắt đang thao thao.

– Thấy cậu mợ cũng nhân từ, tử tế với người nghèo như tui, tui chỉ cho một thứ bảo bối không mất tiền mua. Chỉ cần có nó trong nhà và làm theo lời tui chỉ thì tui bảo đảm cậu mợ làm đâu đặng đó, giàu có hơn người, đời đời phú quý. Nhưng mà…

Ông vé số già ngừng nói, con mắt còn lại nhìn chằm chằm về cậu mợ Hòa. Biết cậu mợ Hòa đang nôn nóng nhưng ông không nói vội. Ông từ tốn nhai một miếng bánh ngọt, húp vài ngụm trà rồi mới chịu nói tiếp một cách từ tốn không thua gì lúc ông nhai bánh.

– Nhưng mà nó không dễ tìm, vì trong cuộc đời của mỗi người, ta đâu có cơ hội được gặp thứ bảo bối đó nhiều lần. Thứ bảo bối đó chỉ xuất hiện, chỉ linh nghiệm với mình, chỉ được xem là bảo bối khi nó xuất hiện trong đám tang của cha mẹ mình mà thôi.

Ông vé số dứt lời, cậu mợ đồng loạt nghĩ đến bà Út Mót. Bà Út Mót bị tai biến mạch máu não, nằm một chỗ cũng hơn năm nay. Nhà ở sát bên, nhưng công việc đi sớm về tối, họp hành, đám tiệc liên miên, cả tháng nay cậu mợ chưa ghé qua bà.

(Ảnh minh họa: nguồn internet)

Bà Út Mót mất.

Gần giờ di quan ra huyệt mộ. Trống đánh liên hồi. Kèn tây dồn dập thổi những giai điệu ngàn thu vĩnh biệt. Cậu Hòa nhìn chăm chú vào đôi đèn cầy trên tay ông đạo tì đang hành lễ.

Nhạc dứt. Cậu Hợp giật hai cây đèn cầy từ tay người đạo tì. Chuyền qua cho mợ Hợp. Mợ Hợp chạy vô buồng, bỏ hai cây đèn cầy vào tủ. Khóa chặt.

Vợ chồng cậu Hòa và vợ chồng cậu Hợp nghinh nhau từ giây phút đó. Khi thi hài của bà Út Mót còn chưa nằm sâu dưới ba tấc đất.

Vừa trở về nhà từ nghĩa địa chung của dòng họ, cậu Hòa đã than thở với cậu Hợp:

– Mày có di ảnh của má trên bàn thờ rồi, ra vô nhìn thấy cũng ấm nhà ấm cửa rồi. Đưa hai cây đèn cầy cho vợ chồng tao đem về nhà, lâu lâu đốt lên như có má bên cạnh.

– Anh thương má quá thì đem hình má về bển thờ, rồi cúng quải cho má luôn đi, còn hai cây đèn cầy tôi không thể đưa cho anh được- Cậu Hợp sừng sộ.

– Mày nói gì kỳ vậy Hợp, má mình nào giờ chỉ thương mày nhất nhà, muốn ở bên mày thôi mà, sao tao làm trái ý má được chứ. Mày không thương má à? – Cậu Hòa rơm rớm nước mắt.

Cậu Hợp đập tay xuống bàn.

– Thôi, anh dẹp mấy giọt nước mắt của anh đi, cái này tụi con tui kêu là diễn sâu quá đó. Ai không biết anh giành hai cây đèn cầy để làm gì. Tưởng chỉ một mình vợ chồng anh biết à.

Cậu Hòa đá ghế.

– Thằng chó, mày nói mà không biết nhục hả. Tao làm chủ tịch xã. Vợ tao làm trưởng trạm y tế xã. Con tao là sinh viên đại học. Còn mày là nông dân, vợ mày làm công nhân, hai đứa con mày chưa học hết lớp 12. Mày giành đèn cầy làm gì, đèn cầy giúp gì được cho gia đình mày hả thằng chó?

Cậu Hợp sôi máu, chạy đến góc tủ, chụp cái rựa.

– Anh ra khỏi nhà tôi ngay, không thì tôi chém anh chết liền tức khắc. Tôi với anh từ nay không còn anh em gì nữa hết.

Mọi người hốt hoảng. Người thì ôm cậu Hợp, giật cái rựa. Người thì lôi cậu Hòa về bên nhà cậu.

Hôm sau, cậu Hòa kêu xe đổ vật liệu xây dựng. Làm hàng rào. Chặn luôn đường qua nhà cậu Hợp.

Rằm nào vợ chồng cậu Hợp cũng đem đèn cầy ra đốt. Để được dùng trong thời gian dài hơn, cậu đốt chỉ một cây và chừng năm phút. Nhìn khói đèn cầy tỏa đi khắp nhà, vợ chồng cậu Hợp vui vẻ nghĩ đến tương lai tốt đẹp mà ông vé số già một mắt nói đến trong một lần ghé qua nhà cậu mời mua vé số, cách đây không lâu. Khi ấy, thấy bà Út Mót nằm thoi thóp cạnh bình thở oxy to đùng giữa nhà, ông vé số nói với cậu mợ Hợp: “Thấy anh chị tử tế, tui chỉ cho cái này, sau này bà cụ về với đất, anh chị nên giữ lại hai cây đèn cầy to được thắp lên lúc người đạo tì hành lễ trước khi di chuyển quan tài của bà cụ ra nơi chôn cất. Anh chị nhớ giữ cho kỹ, chỉ lấy ra thắp lên trong nhà vào ngày rằm hay tết nhứt. Rồi vận may sẽ đến. Làm đâu đặn đó, giàu có hơn người, đời đời phú quý…”.

 

Lần nào cũng vậy, cậu mợ Hợp mải mê đuổi theo cái viễn cảnh giàu sang trong tương lai, không để ý đến sáp đèn cầy nhỏ xuống cạnh di ảnh có đôi mắt u buồn của bà Út Mót. Từng giọt. Từng giọt. Như là nước mắt!

 

Lê An Miên

 

CÁC TIN LIÊN QUAN