Cuối tháng Chín, nước không còn là của riêng dòng sông. Nước tràn khắp ruộng đồng, bờ bãi. Những con đường, những nền nhà ngập mình trong nước. Khu tập thể giáo viên như một hòn đảo, nổi giữa biển nước mênh mông. Chiếc Composic Kiên Giang bé tẹo là phương tiện đi lại duy nhất lúc này.
Em về trường, mùa nước đang lên. Mỗi ngày hai lượt, chiếc loa phát thanh trên ngọn bạch đàn cao chót vót đều đặn phát đi tin tức về mực nước lũ đầu nguồn. Em mong nước lên thật nhanh để còn về nhà với mẹ! Một đêm thức giấc, nghe chuột chạy rần rật trên chiếc giường trống bên cạnh, em bật đèn, nước bò vào ngạch cửa. Sáng, trường có thông báo khẩn: Nước dâng cao, học sinh được nghỉ học, tất cả giáo viên ở lại trường làm công tác khác .Thất vọng kinh khủng! Hàng ngày, nhìn cảnh bà con cực khổ khi phải sống chung với lũ, em day dứt, dù chưa chắc nước năm nay về nhiều là do điều em ước .
Chiều. Em ra ngồi nơi chiếc cầu cây bằng gỗ bạch đàn được bắc tạm bợ trước nhà, mắt dán vào ngàn cánh lục bình trôi theo dòng nước, mang chiều về tím cả mặt sông. Cô giáo đi dạy xa thôi, đâu phải con gái đi lấy chồng xa mà cũng nhớ nhà da diết! Biết em buồn, anh tranh thủ nấu nướng, tắm giặt thật sớm, ra ngồi cùng em. Những câu chuyện không đầu không cuối về gia đình, bạn bè, trường lớp …, anh kể để em vơi đi phần nào nỗi nhớ trong lòng. Có lần, đang ngồi với em, tự dưng anh cúi người, vóc một bụm nước. Một chú cá nhỏ nhảy lách tách trong lòng bàn tay “Đố em biết được tên con cá này” - Anh chìa tay về phía em, nói. Một chú cá bé tẹo, vừa giống cá lòng tong lại vừa giống cá rễ tre ở quê. Em chịu. Anh quay lại nhìn em: “Cá lìm kìm đó cô bé!”. “Cá lìm kìm ?” - Em trố mắt. “ Ừ, Má ơi con vịt chết chìm, con thò tay con vớt, cá lìm kìm nó cắn con á!”. Câu hát ru này em nghe từ hồi nhỏ téo, đến nay mới biết được loại cá có tên ngồ ngộ này. “Thế thì em sẽ không sợ khi phải thò tay vớt con vịt chết chìm đâu”. Anh cúi người, thả chú cá về lại trong nước: “Thế em không nghe có những lỗ nhỏ mà làm đắm cả thuyền sao cô bé ?”. Hai đứa cùng cười, tan cả buổi chiều u ám. Niềm vui theo từng con sóng lan xa, lan xa …
***
- Hết tiết này em lên gặp Ban Giám hiệu
Chị tổ khối trưởng ngoắt em ra cửa lớp, nói thế rồi đi, không lời giải thích nào thêm. Em hoang mang lắm, không dạy dỗ gì được nữa. Những phút đứng lớp còn lại ì ạch trôi qua. Em bước vào văn phòng, mọi người trong ban lãnh đạo trường đều có mặt đầy đủ. Chị tổ khối trưởng keó ghế, bảo: “Ngồi đi em”. Em khẽ gật đầu chào mọi người, ngồi vào trong ghế. Cô hiệu trưởng xin phép mọi người đuợc ngồi tại chỗ bắt đầu cuộc họp:
- Thưa các đồng chí! Phần lớn giáo viên trường ta không phải là người địa phương nên ở lại khu tập thể của trường. Vì thế cho nên ngoài việc kiểm tra nội dung bài dạy, giờ giấc lên lớp … Ban giám hiệu còn có trách nhiệm về mọi mặt sinh hoạt của giáo viên trong thời gian lưu trú tại trường. Để tránh những điều đáng tiếc xảy ra, làm ảnh hưởng không tốt đến uy tín trường, uy tín của ngành giáo dục, như những năm trước đây, nay tôi mời các đồng chí đến đây để bàn về mối quan hệ giữa cô Thuý và thầy Thanh …
Tim em đánh lô tô trong lòng ngực. Mồ hôi rịn đầy trán. Mọi người đều ném về phía em cái nhìn dò xét. Mối quan hệ giữa em và anh? Ngoài việc là một đồng nghiệp tốt, một người anh thường chia với em những khó khăn trong những ngày đầu chập chững vào nghề, với em, anh còn là gì nữa? Em cay đắng nhận ra sao người khác can thiệp vào đời tư mình nhiều quá. Những lời nhận xét, những lời phân tích, những lời khuyên giải lần lượt được đưa ra, nhưng tất cả chúng đều trôi tuột qua tai em cả, chỉ còn đọng lại câu nói của cô Chủ tịch Công đoàn :
- Cuộc họp này chỉ mang tính chất nhắc nhở, em mới về trường nên chưa biết qui định này. Hai người muốn đến với nhau phải đăng kí tìm hiểu. Em cũng đừng buồn mấy anh chị ở tập thể làm gì, họ muốn tốt cho em nên mới báo lại Ban giám hiệu vậy thôi .
Em đính chính lại một lần nữa, rằng em và anh chẳng có chuyện gì, em vẫn xem anh như một người anh, một đồng nghiệp như bao đồng nghiệp khác mà thôi. Buổi họp kết thúc, em bước ra khỏi phòng, thấy anh và chị tổ khối trưởng của anh đứng đó, em không chào, đi thẳng về hướng tập thể .
Chiều. Em nhắc ghế ra ngồi sát cửa sổ, lòng nóng như lửa đốt. Rất nhiều lần, em có ý nghĩ gọi anh ra ngồi nơi chỗ cũ, để thách thức mọi người, để thoả mãn cơn tức trẻ con trong em. Nghĩ tới nghĩ lui, em không thể gọi anh, vì em là con gái. Ở nhà bên, anh nằm chèo queo trên võng, mắt nhìn chiếc cầu cây trống huơ trước nhà. Ngoài kia những con sóng như cũng lười biếng, lơ đễnh trôi trên sông. Sóng cũng biết buồn ?
Nỗi buồn của sóng (ảnh minh họa: Internet)
Chiều thứ Bảy. Trời mưa. Cái thị trấn nhỏ bé này vốn vắng vẻ lại càng vắng vẻ hơn. Lâu thật lâu mới có một chiếc xuồng máy chạy xình xịch qua nhà. Nhưng rồi cái âm thanh lạc lõng ấy cũng nhanh chống tan vào tiếng mưa rầm rộ. Chán cảnh sống tập thể ồn ào quá mức, không ít lần em ước một không gian yên tĩnh. Sự yên tĩnh bây giờ mới đáng sợ làm sao. Giá mà có một ai đó bên cạnh, dù chẳng nói lời nào cũng đủ cho lòng bớt đi phần nào giông bão.
Em bật thêm ngọn đèn, lấy thư của Bảo ra đọc. Những lá thư em cẩn thận xếp theo thứ tự ngày, tháng, trân trọng mang theo ngày em lên vùng này nhận nhiệm sở. Những lời yêu thương một thời làm em nghẹt thở, giờ sao giả tạo đến không ngờ. Giá mà Bảo biết em đang ở trong cảnh ngộ này, Bảo càng thương em hơn hay Bảo cười vào mặt em, cười vào những lí tưởng một thời của em. Em biết Bảo còn giận em.Với địa vị của ba Bảo, chỉ cần một lời nói là con dâu tương lai của ông ta _ là em _ sẽ về ngay thị xã. Và biết đâu giờ này em đang nằm trong vòng tay ấm của Bảo, không phải đối mặt với nỗi buồn cháy lòng này. Em có sai không khi không cho bên Bảo can thiệp vào việc chọn trường của em, khi em đi theo tiếng gọi của lí tưởng. Cái lí tưởng mà đến lúc này em không biết mặt nó tròn méo thế nào và sức sống của nó đến đâu .
Mưa trút ào ào trên mái tôn. Gió rượt nhau chạy khắp nhà. Một tia chớp sáng trời kéo theo một tiếng nổ lớn. Điện vụt tắt. Em bước xuống giường tìm cây đèn cầy chuẩn bị từ lúc chiều, khi trời có màu mây báo hiệu một cơn mưa không nhỏ. Phải mất năm bảy lần chẹt hột quẹt em mới mồi được lửa. Ngọn lửa yếu ớt ngả nghiêng trong gió, cũng có đôi lần tắt vụt. Trong tiếng mưa, em nghe như có tiếng gõ cửa, tiếng người gọi tên em chéo déo. Em chui khỏi mùng, áp sát tai vào cánh cửa. Lâu thật lâu mới nghe được trọn câu nói của anh:
- Thuý ơi ! Em cài chặt cửa, anh qua nhà cô Thanh ngủ nhờ tối nay .
Em cố nói to :
- Mưa lớn thế này sao anh qua sông được ?
Không nghe tiếng anh trả lời, em hé mở cánh cửa, mưa tạt vào người em lạnh buốt. Trong ánh chớp sáng trời, anh mình trần qua sông, một tay cố bơi xuồng, một tay cầm bịch nilông đựng quần áo. Tự dưng, tim em lỗi nhịp. Nếu đêm nay anh không qua sông, mọi người sẽ nghĩ về anh và em như thế nào khi mà hai đứa được xem là có tình ý với nhau ở lại cùng nhau trong đêm mưa gió thế này .
***
Giữa tháng Mười Hai có giấy triệu tập em về thị xã. Em biết tờ giấy mỏng tang có dấu tên đỏ chót của ông giám đốc sở giáo dục là trò phù phép của ba Bảo và mẹ em. Người thì chúc mừng em, người thì xì xầm “Con nhỏ này gốc bự lắm à nghen”. Anh lại im lặng. Cái im lặng nói lên biết bao điều ?
Chiều. Em ra ngồi nơi bậc thềm trước nhà, nghĩ vẩn nghĩ vơ về những điều không thể nói và giấu kín trong tim một nỗi buồn rất là con gái. Thứ Hai tuần sau em sẽ là thành viên trong tập thể mới, biết anh có còn nhớ đến em, biết ai sẽ trò chuyện cùng em trong những đêm khó ngủ. Sau cơn lũ, mọi thứ đều sinh sôi. Dưới chân em cỏ non xanh mơn mởn. Thi thoảng có ai đó ngang qua chọc em câu gì đó, em không nhớ nữa. Hình như là “Thơ thẩn gì đó hả em? Mai về nhà rồi còn nhớ gì nữa”? Trong những người đó không có anh.
Em qua sông trên chuyến đò cuối ngày trong một chiều đầy gió. Gió quất vào mặt em ran rát. Người đưa em lố nhố bên sông. Không biết ai bảo, lũ học trò mấy lớp em dạy, kéo đến lẻo nhẻo:
- Cô đi bỏ trường, bỏ lớp, bỏ tụi em sao cô ?
Em không trả lời câu hỏi của bọn nhỏ, cúi người vuốt lại mớ tóc gió thổi tung, nghe sóng mũi cay xè. Cuối cùng anh cũng chịu nói :
- Mấy em để cô Thuý yên tâm công tác ở đơn vị mới chứ. Nhất định cô Thuý sẽ không quên mấy em đâu.
- Không quên thầy Thanh nữa nghen cô _ Đứa nào đó lí lắc.
Em quay lại nhìn anh. Anh cười méo xệch. Em mím chặt môi, bước lên xuồng, thuần thục như một người dân địa phương, không cần bàn tay anh để vịn như những ngày đầu. Gió trên sông thổi mạnh. Những con sóng nối đuôi nhau như thể chạy trốn nỗi buồn.
Nỗi buồn chiều nay rất lạ!
Lê Minh Tú