DANH MỤC

Những Tiết Lộ Khó Tin Của Tu Sĩ Mù Về Ngôi Cổ Tự Từng Là Chốn Cung Đình Của Các Vị Vua Cuối Thời Phù Nam

Lượt xem: 1291 -

Chùa có duyên thỉnh được tượng Phật chôn sâu dưới đất mà các chùa khác ở Miên đã dùng cả đoàn người mà không khiêng về được. Trải qua nhiều công trình nghiên cứu, những văn tự khắc trên hai tấm bia bằng đá bùn khổng lồ trong chùa có niên đại hàng ngàn năm vẫn chưa có lời giải. Linh Sơn tự cũng nổi tiếng với niềm mộ đạo khi có nhiều phật tử cúng dường bằng cách tự thiêu.

Cổ tự chứa cổ vật ngàn năm

Linh Sơn tự thấp thoáng dưới tán những gốc cổ thụ nơi chân núi Vọng Thê (thị trấn Óc Eo, huyện Thoại Sơn, tỉnh An Giang). Dân địa phương ngưỡng vọng ngôi chùa linh thiêng gắn liền với nền văn hóa Óc Eo cùng những câu chuyện ly kỳ. Sư Thiện Trí, trụ trì Linh Sơn tự người được dân trong vùng gọi là vị tu sĩ mù cho biết: “Chùa được cất dựng vào năm 1913 với nhiều điều thú vị như phát hiện hai tấm bia đá có khắc những văn tự cổ mà không ai hiểu được. Chùa cũng thỉnh được tượng Phật 4 tay rất lớn mà người Miên cũng phải chịu thua, ... Những câu chuyện đó bây giờ người dân ở đây ai cũng biết. Nó trở thành nét văn hóa của vùng này không phải của riêng chùa nữa”.

Theo ông, ngày chùa được xây, khi đào móng người ta vô tình phát hiện hai tấm bia rất lớn màu đen có khắc những chữ viết loằng ngoằng, bí ẩn. Đến nay, hai tấm bia cổ cao khoảng 1,8 m, dày 0,22m vẫn còn nguyên vẹn sau hơn một thế kỷ. Các chữ viết bằng một loại ngôn ngữ bí hiểm được khắc trên hai tấm bia vẫn còn rõ nét. Sư Trụ trì cho biết: “Cho đến khi tôi về đây thì chùa đã trải qua nhiều đời trụ trì nhưng cũng không ai biết gốc tích, chữ viết trên hai tấm bia. Sau này, có nhiều đoàn khảo cổ đến nghiên cứu nhưng họ cũng chưa có câu trả lời cụ thể. 30 năm trước, có ông khảo cổ người Nhật đến nghiên cứu, cho biết tấm bia bằng đá bùn, văn tự trên bia có thể là chữ Bắc Phạn”.

Ảnh 1: Sư Thiện Trí kể chuyện về ngôi cổ tự với bàn tay có ngón út đã thiêu để cúng dường

Sau ngày phát hiện bia cổ, khu vực gần chùa lại xuất hiện tượng Phật 4 tay được chôn sâu dưới đất. Không thể để tượng dầm mưa dãi nắng, người dân có ý khai quật tượng cổ, đem vào chùa thờ tự. Tuy nhiên, đây là tượng thần Vishnu thuộc tôn giáo Bà La môn, các chùa bên Miên cho người sang thỉnh về. “Nhưng lạ là người Miên đã dùng mọi cách để cố đưa tượng lên khỏi mặt đất, đem về chùa nhưng không tài nào lay chuyển được. Dù đã huy động cả một đoàn người, họ cũng không thể di chuyển tượng nên đành thất vọng ra về. Thấy thế, chùa đánh liều sang Miên xin được thỉnh tượng. Không ngờ, chỉ sau một ngày, dân chúng và phật tử đã đưa được tượng về”, sư Thiện Trí kể.

Tại đại điện, bức tượng cổ tạc theo mô típ tượng thần Vishnu 4 tay, có hình rắn naga bảy đầu làm thành tán che phía sau. Sư Thiện Trí khẳng định: “Nguyên thủy, tượng có màu đen của loại đá cổ. Sau khi khai quật, tượng bị khuyết phần chân, người dân đã cố tìm xung quanh nhưng vẫn không thấy. Do đó, những đời trụ trì trước đã cho đắp thêm phần chân để pho tượng có dáng ngồi theo tư thế kiết già. Vì tượng sần sùi, đen đúa không phù hợp với mỹ quan thờ tự của nhà Phật nên mới đây chúng tôi cho sơn lại màu tượng như ngày nay”.

Ảnh 2: Pho tượng cổ đã được sơn lại cùng tấm bia đá bùn ngàn năm tại đại sảnh chùa Linh Sơn

Chốn cung đình của các vị vua cuối thời Phù Nam

Qua nhiều lần trùng tu, tôn tạo, chùa Linh Sơn được mở rộng, nâng cấp khang trang với khuôn viên khoảng 10.000m2. Ngoài 2 bảo vật, chùa còn nổi tiếng vì sở hữu nhiều cổ thụ sống qua thế kỷ, đặc biệt có nhiều cây gốc chia thành 4 thân, song song và cao vút. Sư trụ trì cho biết, khi ông về chùa, những gốc cổ thụ này đã có mặt và vươn bóng mát. Chính những gốc cây tỏa bóng này là nơi trú ngụ của những đàn khỉ được người xưa nhận định là biết nghe kinh. Sư Thiện Trí kể: “Ngày tôi về chùa, chùa còn sơ sài lắm. Lúc này, vùng Ba Thê còn rất hoang vu, động vật hoang dã còn nhiều. Tôi nhớ nhất là đàn khỉ sau chùa. Chúng trú ngụ trên các ngọn cổ thụ. Lâu dần, chúng quen với tiếng gõ mõ tụng kinh. Có ngày, lũ khỉ vô tư vào chùa nghe chúng tăng tụng kinh Phật”.

Theo ghi nhận của PV, ngôi cổ tự còn được biết đến vì gắn bó với nhiều phế tích của nền văn hóa Óc Eo. Cụ thể, qua nhiều năm khảo sát, thám sát, khai quật và nghiên cứu, các nhà khảo phát hiện, trong lòng các kiến trúc đổ nát chung quanh chùa Linh Sơn, ngoài gạch đá, người ta đã thu thu thập nhiều di vật thuộc loại đồ dùng thường nhật như: đồ gốm sau Óc Eo, bàn mài, con lăn đá, những chân tảng, tấm đan, bậc thềm, trụ cửa bằng đá… Đây được xem là minh chứng cho những cấu kiện của một kiến trúc lớn, kiên cố. Những bệ thờ Linga – Yoni, một vài pho tượng thần bốn tay (thần Visnu), tượng Bò thần Nandin, một tấm diềm cửa có hình chín tinh tú, một trụ đỡ bằng đá, có khắc minh văn,… khiến các học giả, nhà nghiên cứu cho rằng, nơi đây đã dựng một đền thờ bằng gạch, có thể là nơi dựng một tượng Linga, vật tượng trưng cho thần Siva ….

Ảnh 3: Tháp 4 mặt ghi những thông tin về 4 vị cao tăng tự thiêu để cúng dường tại chùa

Hơn thế, căn cứ vào niên đại các hiện vật của quần thể di tích kiến trúc quanh chùa Linh Sơn và đối chiếu với lịch sử tồn tại và suy vong của vương quốc Phù Nam, các học giả, các nhà khảo cổ đã đưa ra nhận định: Chùa Linh Sơn và khu vực phía Đông núi Ba Thê từng là chốn cung đình của các vị vua cuối thời Phù Nam sau khi kinh đô Angkor Borei bị Chân Lạp xâm chiếm vào thế kỷ thứ VII sau công nguyên. Thông tin Linh Sơn tự là chốn cung đình của các vị vua cuối thời Phù Nam khiến nơi đây từng rộ lên “phong trào” đào vàng gây náo động một thời. Nhiều người dân địa phương quả quyết, thời điểm năm 1975, người dân đến khu vực chùa nhặt được vàng, tượng vàng, trang sức bằng vàng là điều có thật. Từ đó, người dân trong và ngoài tỉnh đổ xô đến khu vực chùa đào vàng, tìm đồ cổ.

Về thông tin trên, sư Thiện Trí kể: “Sau năm 1945, cả vùng này chấn động với việc nhà khảo cổ người Pháp L. Malleret (trường Viễn Đông Bác Cổ) khai quật được hàng ngàn cổ vật quý hiếm dưới lòng đất. Trước và sau năm 1975, chuyện người dân ra đồng lượm được vàng, tượng hình thú, đá quý, chậu, các loại bình… rồi đào xới đất tìm vàng, đồ cổ là chuyện thường xảy ra. Khi phong trào rộ lên, nhiều người từ các vùng, miền đổ xô về đây tụ họp để mua bán, trao đổi hàng hóa. Họ đào xới tứ tung khu vực này để tìm vàng, đá quý, đồ cổ, kể cả trong khuôn viên chùa. Về sau, khi được nhà nước quản lý, tình trạng đào bới ồ ạt trên mới chấm dứt”.

Một cán bộ của phòng Văn hóa thông tin huyện Thoại Sơn (tỉnh An Giang) cho biết: “Chùa Linh Sơn là nơi sinh hoạt văn hóa tinh thần, tâm linh của địa phương và là điểm hành hương nổi tiếng của tỉnh. Chúng tôi ghi nhận việc chùa lưu giữ nguyên vẹn hai tấm bia đá, tượng Phật 4 tay cổ cũng như việc có nhiều nhà sư tự thiêu để cúng dường. Sau khi được bộ Văn hóa, Thể thao và Du lịch xếp hạng di tích kiến trúc nghệ thuật quốc gia, năm 2012, chùa lại được liệt là một loại hình kiến trúc tiêu biểu trong quần thể Di tích khảo cổ và kiến trúc nghệ thuật Óc Eo - Ba Thê. Chùa cũng đã được Thủ tướng xếp hạng Di tích quốc gia đặc biệt”.

Chùa có nhiều vị sư cúng dường bằng cách tự thiêu

Sư Thích Thiện Trí cho biết, ngoài những cổ vật gắn liền với nền văn hóa Óc Eo, Linh Sơn tự thu hút, kích thích trí tò mò khách thập phương bởi lịch sử cúng dường bằng cách tự thiêu. Danh tính của những vị hòa thượng từng tham gia công tác cúng dường bằng cách hỏa thiêu chính cơ thể của mình được lưu giữ trên tòa tháp 4 mặt trước sân chùa. Trước đây trong lễ cúng dường, các bậc chân tu thường cúng bằng chính một phần thể xác của mình như bàn tay, bàn chân, … thậm chí cả cơ thể.

Tuy nhiên, theo thời gian, các vị sư dần đơn giản hóa bằng cách dùng nhang đốt lên trán thành từng chấm tròn. Trước khi về chùa này, sư Thiện Trí cũng cúng dường bằng ngón út của mình. “Lần đó, tôi bôi dầu xạ hương và đầu ngón tay út rồi đốt. Ban đầu cũng cảm thấy rất nóng nhưng ít phút sau chỉ thất mát dịu. Sau cùng, nó cháy quắt lại, đen tròn, không còn đau đớn nữa tôi phải dùng cái đục để cắt phần cháy ấy đi. Việc cúng dường là nghi lễ quan trọng, một đời tu chỉ cúng một lần thôi, trong lần cúng của mình, tôi cũng không cảm thấy đau đớn”, sư Thiện Trí kể.

Dẫn theo: HÀ NGUYỄN

CÁC TIN LIÊN QUAN