DANH MỤC

Môn thể thao đua ghe Ngo: dấu ấn văn hóa đồng bào Khmer Nam Bộ

Lượt xem: 1049 -

Đua ghe Ngo thường được tổ chức vào dịp lễ hội Óoc om bóc - một trong những lễ hội lớn trong năm của đồng bào Khmer Nam Bộ, mang ý nghĩa thể hiện sự biết ơn đối với “thần nước” đã phù hợp cho người dân một năm qua mưa thuận gió hòa, mùa màng bội thu.

Ghe Ngo có cấu tạo ban đầu là thuyền độc mộc, làm bằng cây sao. Xưa người dân vào rừng tìm gỗ sao, làm lễ cúng Thần giữ rừng (Neak ta Prey ph'nôm) để được bình an vô sự rồi mới đốn cây. Cây sao đem về phải cưa, đục, đẽo, khoét thành chiếc ghe độc mộc. Sau này, ghe được cải tiến nối thêm đầu và đuôi đều cong, người Khmer gọi là Tuk Ngô (Tuk là ghe, Cong là ngô - đọc thành Ngo). Những năm gần đây, người thợ đã không ngừng cải tiến kỹ thuật đóng ghe để chiếc ghe Ngo lướt nhanh nhất có thể. Ghe Ngo được đóng dài hơn, từ 30 - 31m, có sức chứa từ 55 - 60 người, thay vì chỉ từ 22 -27m như trước đây. Ghe Ngo có hình thù tựa con rắn Naga, mình thon, thoai thoải về phía trước, đầu uốn cong và hơi thấp hơn sau lái một chút, có nhiều khoang, trên mỗi khoang đóng nhiều thanh cây ngang dài 1,2m làm băng vừa đủ 2 người ngồi bơi thoải mái theo từng cặp song song gồm 25 đôi. 

Trong khuôn khổ Ngày hội Văn hóa Thể thao Du lịch đồng bào Khmer Nam bộ lần thứ VIII tại Sóc Trăng chính thức diễn ra từ ngày 6 đến ngày 8/11/2022, đã diễn ra Giải đua ghe Ngo Sóc Trăng Khu vực Đồng bằng sông Cửu Long lần thứ V năm 2022 được diễn ra trong 2 ngày 7 và 8/11 trên sông Maspero (thành phố Sóc Trăng) vô cùng sôi nổi và hào hứng, với 54 đội tham gia đến từ 8 tỉnh, thành khu vực ĐBSCL có đồng bào Khmer sinh sống.

Với 54 đội ghe Ngo tham dự (với khoảng 6.000 vận động viên tham gia thi đấu), đến từ 8 tỉnh là Bạc Liêu, Cà Mau, Hậu Giang, Kiên Giang, Trà Vinh, Vĩnh Long và chủ nhà Sóc Trăng, trong đó, có 9 đội ghe Ngo nữ (Sóc Trăng 3 đội nữ) và 45 đội ghe Ngo nam (Sóc Trăng 37 đội nam), Giải đua ghe năm này đã được tổ chức Kỷ lục Việt Nam (Vietkings) trao bằng xác lập kỷ lục “Lễ hội Oóc Om Bóc - đua ghe Ngo Sóc Trăng có số lượng ghe ngo và vận động viên đông nhất”.

Sau 2 ngày thi đấu của giải, đã có 115 trận (cặp đấu) tranh tài quyết liệt, vô cùng hào hứng của các đội ghe Ngo, trong đó có 102 trận đấu của ghe Ngo nam và 13 trận đấu của các đội ghe Ngo nữ, cạnh tranh quyết liệt từ vòng loại, vòng tứ kết, bán kết đến chung kết xếp hạng.

Kết quả cuối cùng: Ở nội dung đua ghe Ngo nam, cự ly 1.200m, đội ghe mạnh đến từ chùa Wath Pích, của thị xã Vĩnh Châu đã xuất sắc đoạt chức vô địch sau khi nước rút đánh bại đối thủ được cho là nặng ký là Pông Tứk Chăs (của huyện Thạnh Trị- đạt giải nhì). Đội ghe Ngo chùa Ông Kho (Noren RangSay) cũng của huyện Thạnh Trị sau khi chiến thắng kịch tính đội ghe rất mạnh là Càng Long (Trà Vinh) đã tiếp tục thắng đội ghe Bưng Ton Sa (huyện Trần Đề-giành hạng tư) để giành hạng 3 chung cuộc.

Ở nội dung đua ghe Ngo nữ, cự ly thi đấu 1.000m, đội ghe Ngo chùa Prếk Chếk (Ô Chum) của thị xã Ngã Năm giành chức vô địch sau khi thắng ghe Ngo chùa Tum Núp (giải nhì) của huyện Châu Thành, Sóc Trăng, đội ghe Ngo chùa Cro Nhung đến từ tỉnh bạn Kiên Giang cũng xuất sắc giành thứ hạng ba sau khi thắng ghe Ngo chùa Ngan Dừa (hạng tư) đến từ tỉnh Bạc Liêu.

Đua ghe Ngo từ lâu đã trở thành một nét đẹp trong văn hóa của đồng bào Khmer Nam Bộ, thường được tổ chức trong dịp lễ hội Oóc Om Bóc mang ý nghĩa thể hiện sự biết ơn đối với “thần nước” đã phù hợp cho người dân một năm mưa thuận gió hòa, mùa màng bội thu./.

Dẫn theo HÙNG SƠN

(NHỊP SỐNG TV tổng hợp)

CÁC TIN LIÊN QUAN