Phần 1: Trên đường trốn nã, học được bí kiếp võ học của những danh sư đất Thất Sơn
Những khó khăn thời cuộc đã đẩy Mai Văn Ở bứt ra khỏi tổ ấm trong tủi nhục. Để mưu sinh, chàng thanh niên chưa một lần ra khỏi tỉnh lẻ phải lăn mình, sống trong nhiều thân phận thấp hèn khác nhau. Tuy nhiên, sự thật thà, chất phác và niềm đam mê võ học của chàng thanh niên lang thang sớm làm động lòng những danh sư nơi Thất Sơn huyền bí. Trên con đường trốn chạy sau khi vặn cổ thằng cháu họ-thằng Việt gian nhiều lần chỉ điểm cho giặc Tây, ông lần lượt tiếp cận và trở thành học trò của nhiều bậc danh sư võ học để trở thành một cao thủ võ thuật trong lớp vỏ của kẻ lang thang.
Nỗi đau tự tay hạ sát cháu họ
Gặp nhau giữa những bộn bề cuộc sống, ông Mai Văn Ở (xã Phú Xuân, huyện Nhà Bè, TP.HCM) vẫn thu hút khách lạ bởi cái cười chân chất và giản dị đến lạ. Ông bắt đầu câu chuyện về cuộc đời với nhiều khúc ngoặt ly kỳ bằng những vết sẹo chằng chịt trên cơ thể, cánh tay đã lốm đốm da mồi. Ông nói: “Đời tôi nhiều thăng trầm lắm. Nhưng cho tới nay, tôi vẫn tự hào là chưa ăn gian nói dối, chưa ăn giật của ai một đồng một cắc nào. Những vết sẹo này đều xuất phát từ các cuộc tử chiến để giành quyền sống, lãnh địa mưu sinh. Đời tôi nó lạ, gặp người tốt người hiền nhiều nhưng gặp cướp, gặp ác lại càng nhiều hơn. Thăng trầm thế đấy, ngay từ lúc mới mười mấy tuổi đầu, tôi đã phải trốn nã rồi. Từ đó, cứ lang thang, tha phương cầu thực, cho đến bây giờ cũng chưa cảm nhận được cái mùi vị sự sung sướng nó như thế nào”.
Ông cho biết, “sự tích trốn nã” của mình gắn với một nỗi đau “nồi da nấu thịt” khó ai hiểu được. Sinh ra trong một gia đình thuần nông lúc đất nước đang trong tay kẻ xâm lược, Mai Văn Ở sớm chịu những bất công. Tuy nhiên, điều khiến ông đau đớn hơn cả là bị người thân bán đứng. Ông kể: “Nhà tôi đông anh em lắm. Nhưng duy chỉ có người anh trai tôi theo cách mạng. Việc hoạt động cách mạng của anh trai tôi, nhà tôi cũng không ai nắm rõ nhưng giặc lại biết tường tận. Chúng nhiều lần đến nhà bắt bớ, tra khảo cha mẹ tôi, cả tôi lúc đó có mười mấy tuổi chúng cũng đánh. Nhà tôi không ai khai gì cả, thế mà chúng vẫn biết hoạt động của anh tôi. Chúng muốn tiêu diệt, bắt cả tôi vì sợ tôi sẽ theo anh mình. Tôi trốn đi đâu cũng bị chúng lần ra”.
Sự áp bức của giặc khiến gia đình ông không một ngày yên ấm. Sau những lần bị tra tấn đến thừa sống thiếu chết, chúng tìm cách bắt, thủ tiêu Ở. Biết không thể ở lại quê hương, ông Ở quyết định tìm đường trốn sang nước bạn lánh nạn. Tuy nhiên, điều khiến ông khó hiểu là vì sao những hoạt động của anh trai mình, tung tích của mình luôn bị phát hiện dù những hoạt động đó vô cùng bí mật. Những nghi ngờ về việc bị người thân bán đứng hình thành. Cuối cùng, ông nhận ra rằng, chính người cháu họ của mình đã biến chất, trở thành tên Việt gian, kẻ chỉ điểm, trực tiếp bán đứng gia đình ông.
Ông nhớ lại: “Sau nhiều lần điều tra, tôi biết được chính thằng cháu họ tôi đã bán đứng anh tôi, bán đứng gia đình tôi. Nỗi đau, nỗi thù hận bộc phát. Tôi không bao giờ ngờ mình bị chính người thân thuộc phản bội. Nguy hiểm hơn, không chỉ phản bội gia đình tôi, nó phản bội cả tổ quốc. Trong tức giận, tôi đã tìm cách hẹn nó ra quán cà phê uống nước rồi bí mật xuống tay bẻ cổ nó. Đó thật sự là một quyết định khăn nhưng tôi không còn đường nào khác. Sau lần ấy, tôi bị giặc truy nã gắt gao, để lánh thân, tôi quyết định trốn sang Miên, lên Nam Vang ở đợ”.
Ảnh 1: Ông Mai Văn Ở trong tư thế chuẩn bị múa bài côn nhị khúc bí truyền
Cao thủ Thất Sơn thần quyền
Bỏ xứ đi tha phương cầu thực, Mai Văn Ở loay hoay tìm đường mưu sinh. Từ thằng ở đợ, làm thuê làm mướn, ông theo chân cánh buôn á phiện kiếm sống. Tuy nhiên, những nghiệt ngã của nghiệp buôn á phiện cùng nỗi nhớ nhung gia đình, khoảng những năm 1950, ông tìm cách trở về quê hương Châu Đốc. Tại đây, sự truy đuổi gắt gao của giặc đẩy ông đến Thất Sơn,nơi đang tập trung những danh sư võ học. Trở lại núi Sam với cuộc sống chui nhủi, Mai Văn Ở nhiều lần trốn lên núi Cấm để tránh ánh mắt dò xét, truy lùng của giặc Pháp.
Ông cho biết: “Những năm ấy, Thất Sơn là nơi địa linh nhân kiệt, quy tụ anh hùng hào kiệt khắp nơi. Các bậc kỳ tài võ học vì chán cảnh lầm than lên núi tu tiên, cũng có người lên núi tu luyện võ học, tập trung lực lượng mưu việc lớn. Nhà tôi có ông cậu cũng thuộc hàng danh sư võ học nhưng lại lên núi Cấm cầm đầu băng cướp nổi tiếng. Cuộc sống nơi núi thiêng khác xa ngoài chỗ nhà tôi, ở đó, tôi được ăn ngon, ăn no, không cần lo nghĩ. Mỗi khi cướp bóc thành công, cậu tôi thường giết dê, mổ lợn, gà ăn mừng thâu đêm suốt sáng. Vì ông bảo kê luôn cả một làng dưới núi tránh khỏi cướp bóc nên bọn lính không tìm cách lùng bắt ông. Người cậu này rất thương tôi, thường đón tôi lên núi chơi. Cuộc sống ở đây hấp dẫn tôi lắm vừa được ăn ngon vừa được cậu rèn võ bí truyền Thất Sơn”.
Vốn sinh ra trong gia đình có nôi võ thuật, Mai Văn Ở đam mê võ thuật hơn bất cứ thứ gì. Ngay khi còn nhỏ, dù đường lên núi xăm xăm, hiểm trở, cậu vẫn thường xuyên vượt núi lên Thất Sơn học võ. Ông kể: “Hồi đó, khi lên núi, tôi thấy mấy ông trong băng của cậu luyện công phu thì ham lắm. Ngoài cậu tôi, trong băng còn có ông Bảy “trộm” rất tinh thâm võ thuật. Ông này người thấp bé nhẹ cân nhưng có biệt tài siêu trộm. Đứng dưới mặt đất, ông búng một cái đã lên nóc nhà người ta. Ông này là chuyên gia trộm, nơi nào không ai tới được, không ai trộm được thì chỉ cần gọi ông là xong. Ngoài biệt tài trên, ông còn có võ gồng khiến đao thương bất nhập. Tôi được cậu thương truyền dạy võ Thất Sơn rồi bảo ông Bảy “trộm” dạy tôi thêm những tuyệt kỹ khác”.
Sau vài năm tu luyện, Mai Văn Ở trở thành một cao thủ võ học trời Nam dù chưa có danh xưng, chưa ai biết đến. Cuộc sống luôn phải trốn chạy, dồn đuổi cậu thanh niên mê võ học từ nơi này sang nơi khác. Sau ít năm sống cùng băng cướp trên núi Cấm, Ở xuống núi, lang bạt kiếm sống rồi đến náu thân trong chùa Sơn Lâm trên núi Thị Vải. Tại đây, ông làm thuê, cuốc mướn sống qua ngày cùng một kỳ tài võ học khác là Dương Văn Lâm. Theo ông Ở, người này rất có cung cách, đặc biệt giỏi môn côn pháp. Thấy Ở hiền lành, chăm ngoan sớm hôm trồng khoai, cuốc cỏ kiếm cơm, ông Lâm mến tính và truyền cho Ở món côn bí truyền. Món côn này khiến ông nhớ lại đường côn xé gió mà ông được học tại Nam Vang, Campuchia.
Ông kể: “Hồi còn trốn nã ở Nam Vang, tôi được theo học một thầy đường côn nhị khúc vô cùng lợi hại. Khi học đến đỉnh, người học võ có thể dùng cặp côn nặng hơn 3kg múa một phút được hơn 200 ngọn. Khi múa, ngọn côn đi nhanh và mạnh đến nổi tiếng gió nghe vun vút, nước tạt cũng không trúng người được. Chỉ cần cặp côn, một mình tôi có chấp chục người dùng dao, mã tấu, kiếm cũng không sợ”. Tuy nhiên, con đường võ học của ông sớm kết thúc khi người này bỗng nhiên bỏ đi mà không lời từ biệt. Ông cho biết: “Ông Lâm còn thuật biến thân rất ảo diệu. Tôi từng chứng kiến ông dùng thuật này để thoát khỏi nhà tù của giặc. Khi bị bắt, người ta đem dây trói, trói chéo tay ông ra sau rồi nhốt trong ngục. Nhưng ông vẫn biến thân, tự cởi dây trói, thoát ra khỏi nhà lao, về núi. Lẽ ra tôi còn được học thuật ấy của ông nhưng do chính quyền giặc quấy rối sợ ông tập trung lực lượng nên ông lặng lẽ bỏ xứ mà đi...”
Mời các bạn đón đọc tiếp Phần 2...
Dẫn theo HÀ NGUYỄN - NGỌC LÀI