DANH MỤC

Lan tỏa đam mê qua sân chơi “Em yêu đàn tranh”

Lượt xem: 2952 -

 

“Vào năm học lớp 1, trong một lần cố Giáo sư Trần Văn Khê và cô Hải Phượng đến trường biểu diễn đàn tranh, con xem thấy rất thích và muốn học đàn tranh từ lúc đó” – Lời tâm sự của thí sinh Nguyễn Huỳnh Bảo Ngọc (Lớp 5, trường Tiểu học Nguyễn Đình Chiểu, quận Bình Thạnh) khi được hỏi vì sao chọn học đàn tranh!

Bảo Ngọc tham dự Liên hoan Em yêu đàn tranh lần 1 năm 2018 đã vô được vòng chung kết và tuy chỉ đạt được giải tư ở bảng A nhưng đó là một niềm khích lệ rất lớn cho em trên con đường nuôi dưỡng niềm đam mê âm nhạc dân tộc của mình.

Nguyễn Huỳnh Bảo Ngọc với phần thi của mình tại Vòng chung kết Liên hoan Em yêu đàn tranh lần 1 năm 2018

Chị Huỳnh Thảo, mẹ của Bảo Ngọc cho biết thêm: Sau lần gặp ấy bé về nhà và nằng nặc đòi ba mẹ mua cho bé cây đàn tranh để học. Ở nhà bé đã có một cây piano rồi nhưng ba mẹ chiều lòng nên đã mua cho con cây đàn tranh cũng như thuê cô giáo dạy đàn về nhà dạy. Bảo Ngọc bắt đầu làm quen với cây đàn và học từng nốt nhạc, cô giáo dạy những gì em đều chú tâm ghi nhớ. Tuy một thời gian sau đó vì bận việc nên cô giáo đã tạm ngưng dạy đàn cho bé nhưng cứ mỗi ngày sau khi đi học về thì Bảo Ngọc lại ngồi vào cây đàn tranh và luyện tập một cách say mê.

Về sau, biết được Câu lạc bộ (CLB) Tiếng hát quê hương nên chị Thảo đã dẫn bé Bảo Ngọc đến học với nhạc sĩ Thúy Hoan. Tuy chỉ mới theo học với CLB hơn nửa năm nhưng Bảo Ngọc đã mạnh dạn tham dự Liên hoan với hai bài “Tùng quân”, “Bông hồng tặng cô” – và giải Tư là phần thưởng xứng đáng, khích lệ cho tình yêu tiếng đàn tranh trong trẻo, hồn nhiên của Bảo Ngọc.

Phần hòa tấu "Tam pháp nhập môn" - "đặc sản" đến từ các thí sinh dự Liên hoan

Liên hoan Em yêu đàn tranh – lần 1 năm 2018 do Cung Văn hóa lao động TP.HCM phối hợp với CLB Tiếng hát quê hương tổ chức, là sân chơi cho các em từ 6 – 15 tuổi yêu thích tiếng đàn tranh tham gia. 12 thí sinh bảng A và 8 thí sinh ở bảng B sau khi đã vượt qua vòng sơ khảo đã có cuộc thi tài hấp dẫn tại Vòng chung kết và trao giải diễn ra vào sáng 16/9  với hai nội dung: một bài nhạc cổ hoặc dân ca và một bài nhạc mới.

Ông Lê Hồng Triều, GĐ Cung VHLD TP.HCM trao giải cho các thi sinh đạt giải tại bảng B

Chung cuộc, thí sinh Nguyễn Song Tịnh Nhân đạt giải Nhất bảng A qua hai phần thi “Phi Vân điệp khúc” và “Ơn nghĩa sinh thành”. Ngoài ra, Tịnh Nhân còn đạt thêm giải “Thí sinh nhỏ tuổi nhất” của liên  hoan lần này (sinh năm 2011).

Phần dự thi của thí sinh Nguyễn Song Tịnh Nhân

Ở bảng B, nữ thí sinh Nguyễn Hải Minh đã vượt trội hơn cái thí sinh khác với kỹ thuật đàn điêu luyện, thuần thục cùng phong cách biểu tự tin trên sân khấu đã chinh phục ban giám khảo và đoạt giải nhất qua hai bài thi “Hương sen Đồng Tháp” và “Lưu Thủy Trường”. Ngoài các giải thưởng, các thí sinh tham dự Liên hoan cũng nhận được giấy chứng nhận đã tham gia Liên hoan “Em yêu đàn tranh” lần I năm 2018 và bộ sách về đàn tranh do Ban tổ chức tặng.

Thí sinh Nguyễn Hải Minh đạt giải Nhất bảng B Liên hoan

Nguyễn Hải Minh chia sẻ: “Tham gia Liên hoan lần này em mong muốn giao lưu và giới thiệu cây đàn tranh đến thêm nhiều người hơn nữa, và em rất vui vì đạt giải cao trong Liên hoan lần này, tuy nhiên em sẽ vẫn tích cực học tập và rèn luyện thêm nữa”.

Thí sinh Minh Hân với phần thi của mình

Đạt giải Nhì bảng B ở, nữ thí sinh Nguyễn Quế Minh Hân (quận 3) cho biết: Qua sân chơi này em muốn được thử sức về kỹ thuật chơi đàn của mình nào và muốn cọ xát với các bạn nhiều hơn, cũng như được học hỏi thêm về kỹ năng, phong cách biểu diễn, phong thái trên sân khấu, những điều rất bổ ích cho em”.

NS. Huỳnh Thị Thu Hiền, Trưởng phòng Tổ chức cán bộ Nhạc viện TP.HCM, Giảng viên Khoa Âm nhạc dân tộc, thành viên Ban giám khảo Liên hoan

Nhạc sĩ Huỳnh Thị Thu Hiền, thành viên Ban giám khảo Liên hoan, đánh giá: Có thể thấy trình độ hơi chênh lệch giữa các thí sinh, nhưng theo mặt bằng chung các em đã có sự chuẩn bị kỹ lưỡng khi tham gia sân chơi lần này về thể hiện tốt phần thi của mình. Liên hoan Em yêu đàn tranh sẽ góp phần khuyến khích phong trào học đàn tranh rộng rãi đến các em thiếu nhi, và chắc chắn “Em yêu đàn tranh” lần 2, lần 3… sẽ được diễn ra thường năm.

Đông đảo khán giả, phụ huynh và các em đến xem, cổ vũ cho các thí sinh

Khán giả Bùi Ngọc Tâm (quận 8) cho biết: “Tôi đi ngang qua Cung Văn hóa lao động TP.HCM và thấy có chương trình đàn tranh dành cho các em nhỏ nên tôi ghé vào xem. Tôi rất yêu thích và xúc động với hình ảnh các em nhỏ trong bộ trang phục truyền thống ngồi bên cây đàn tranh và say xưa gảy từng phím đàn…”.

Tại Liên hoan, có lẽ Bùi Thị Ngọc Ánh là thí sinh đặc biệt nhất, em là thí sinh khiếm thị đến từ Cơ sở Khiếm thị Huynh đệ Như Nghĩa (quận Bình Chánh), là thí sinh khiếm thị duy nhất ở Liên hoan lần này. Ngọc Ánh bị khiếm thị từ nhỏ, được các Sơ ở cơ sở Huynh đệ Như Nghĩa chăm sóc, cho đi học và dạy cho em chơi đàn tranh. Dù không thể nhìn thấy được cây đàn tranh, thậm chí là từng dây, từng phím đàn, nhưng với niềm đam mê và sự nỗ lực học tập, cũng như nhờ sự giúp đỡ của những người yêu thương em, đã giúp Ngọc Ánh từng bước vượt qua mọi khó khăn để chinh phục và làm chủ được tiếng đàn tranh. Và tính đến nay, Ngọc Ánh đã có 7 năm đồng hành cùng cây đàn tranh của mình.

Ngọc Ánh để lại nhiều cảm xúc, ấn tượng trong lòng khán giả

Tham gia Liên hoan lần này dù không được giải thưởng nhưng hình dáng cô bé nhỏ nhắn trong bộ áo Dài xinh xắn của dân tộc, cùng mái tóc thắt bím ngồi bên cây đàn tranh thân thuộc để chơi hai bài “Tử quy từ” và “Lý ngựa ô” bằng tất cả tình yêu và cảm xúc của mình đã để lại những ấn tượng thật sâu đậm trong lòng nhiều khán giả./.

Những tiết mục đàn tranh đặc sắc nhất tại Vòng chung kết Liên hoan Em yêu đàn tranh - lần 1 năm 2018 (Bảng A)

Sơn Nghĩa

 

CÁC TIN LIÊN QUAN