DANH MỤC

Kê Hoàng Hổ - một đời kiêu hùng cùng võ phái Kim Kê

Lượt xem: 6352 -

Môn sinh của môn phái Kim Kê Tây Sơn Nhạn nếu là nam thì lấy họ Kê, nếu nữ thì lấy họ Kim, bởi thế mới có những võ sư vang tiếng một thời của Kim Kê môn như: Kê Huỳnh Sơn, Kê Kim Sơn, Kê Thắng Sơn, Kê Hoàng Long, Kê Hoàng Hổ, Kim Ngọc, Kim Châu… Trong đó võ sư Kê Hoàng Hổ với niềm đam mê võ thuật dân tộc, đặc biệt với hào khí tuổi trẻ đã để lại những trận thượng đài vang dội, dù giờ đây nhắc lại, với ông chỉ còn là hoài niệm…

Những trận đấu chỉ còn là hoài niệm…

Võ sư Kê Hoàng Hổ tên thật là Huỳnh Thượng Hải (Sinh năm 1949). Lúc nhỏ, Huỳnh Thượng Hải từng theo học Trường Quốc gia mỹ thuật Gia Định (nay là Đại học Mỹ Thuật TP.HCM), nhưng niềm đam mê võ thuật lớn hơn nên ông đã bỏ dở con đường học vấn để suốt đời theo đuổi và gắn bó với nghiệp võ học.

Lão võ sư Kê Hoàng Hổ - môn phái Kim Kê Tây Sơn Nhạn

Năm 1963, lúc đó chàng trai họ Huỳnh mới 14 tuổi, trong một lần xem võ sĩ Lê Thanh Tùng, là người mà ông rất ngưỡng mộ, đấu võ đài tại Hội chợ kỹ nông công thương ở sân Tao Đàn đã thổi vào ông ngọn lửa nhiệt huyết, làm cho ông càng quyết tâm tìm đến võ thuật.

Ban đầu, Thượng Hải theo học Vovinam với thầy Nguyễn Thành Phong (quận 5), học trước ông một khóa (6 tháng) là võ sư Nguyễn Văn Chiếu - hiện là chưởng môn đời thứ ba của môn phái Vovinam - Việt Võ Đạo. Tuy nhiên, môn võ Vovinam khi đó không cho môn sinh đánh võ đài, nên sau hai năm theo học thì ông nghỉ và chuyển sang học môn phái Kim Kê Tây Sơn Nhạn của thầy Đặng Văn Anh, trở thành Kê Hoàng Hổ.

Môn phái Kim Kê lấy biểu tượng là con gà trống đứng trên đỉnh núi cất tiếng gáy vang, “Kim Kê” trong từ điển Hán - Việt có nghĩa là "gà trống vàng". Hình tượng con gà trống như biểu tượng của tính nghĩa hiệp, chính nhân quân tử của người đàn ông, nhưng cũng rất can đảm, nghi lực khi đối đầu với bất kỳ đối thủ nào.

Sau 3 năm miệt mài rèn luyện sở học thì đến năm 1968 là lúc ông được phép thượng đài. Kê Hoàng Hổ liên tục đấu võ đài, kéo dài tới năm 1975 và đã để lại những trận đánh với nhiều ấn tượng. Giờ đây nhớ lại, lão võ sư 70 tuổi của môn phái Kim Kê Tây Sơn Nhạn đúc kết: “Con người tôi không có gì là tuyệt đỉnh cả, những trận đấu đài của tôi có thắng có thua, điều quan trọng là phải biết mình biết người và luôn đề cao tinh thần thượng võ”.

Nhiều trận đấu đã in dấu sâu thẳm trong ký ức của ông, trở thành những kỉ niệm đẹp mỗi khi kể lại cho lớp hậu bối, dù là trận đó thắng, hay thua. Lão võ sư Kê Hoàng Hổ vẫn còn nhớ như in trận đánh đài đầu tiên của ông là vào năm 1968 tại CLB Tinh Võ quận 5, trận này ông đánh hòa. Ông kể tiếp: năm 1971, tôi dẫn đoàn môn phái Kim Kê ra Nha Trang thi đấu. Sau vài đêm liền giành thắng lợi liên tục, thì có một võ sĩ tên Quang Thuận thách tôi dùng đòn chân, tôi nghĩ thầm chắc anh này có bộ hốt giỏi nên mới thách mình như vậy, nếu mình đá thì ảnh hốt bộ mã mình, thế là tôi chuyển hướng dùng đòn đánh rờ-ve, tôi chỉ tung một cái một trúng đối phương đã ngất xỉu trong 30 giây đầu.

Trong suốt quãng thời gian thượng đài của mình, Kê Hoàng Hồ đã theo thầy đi du đấu nhiều nơi, từ Nha Trang, Bình Định, Khánh Hòa, Bình Thuận cho đến tận Đất Mũi – Cà Mau rồi về lại TP.HCM với nhiều đối thủ khác nhau đã làm nên những câu chuyện hay trong làng võ thuật lúc bấy giờ.

Một trận thua mà võ sư Kê Hoàng Hổ không phục đó là trận đấu với Huỳnh Long – học trò của võ sư Remy Huỳnh nức tiếng trong làng võ thuật Việt lúc bấy giờ, tại Giải Võ thuật mở rộng tỉnh Khánh Hòa vào năm 1971 diễn ra tại sân Nam Quang. Sau 4 trận liên tục dẫn điểm thì đến trận thứ 5 vì bị chói bởi ánh đèn máy ảnh, máy quay tứ phía làm cho ông không tập trung được nên đã bị dính một chỏ từ Huỳnh Long, vết thương loang lỗ máu nhưng Kê Hoàng Hổ không cho khâu mà ông chỉ căng ra rồi lấy keo dán lại, máu chảy từ trên xuống ướt cả cái quần luôn và ông cất đi để làm kỉ niệm cho trận đấu này.

Trận đấu khiến Kê Hoàng Hổ “tâm phục khẩu phục” nhất chính là trận thua võ sư Lê Thanh Tùng vào năm 1972, cũng chính là người mà ông rất mến mộ. Ông nhớ lại, lúc đó ông đã cãi lời thầy Kim Kê mà tự ý ra đấu với võ sư Thanh Tùng. Hai hiệp đầu với những miếng ăn đòn trả đòn qua lại bất phân thắng bại, thì đến hiệp thứ 3 do Kê Hoàng Hổ mê đòn quá, cứ nghĩ Thanh Tùng chỉ biết biết quyền Anh, ông lao vào tấn công mà không biết Thanh Tùng còn có sở trường về đòn chân, vừa nhập nội vô thì Kê Hoàng Hổ bị trúng cái gối sát, nhìn thấy sát chiêu của đối thủ thì ông đã biết bị thất thế rồi. Thế là vừa dứt hiệp thi đấu thứ 3 là ông thua knock-out luôn. “Đến giờ tôi mới biết ảnh (Thanh Tùng) còn có biệt danh là “thần cước” – võ sư Kê Hoàng Hổ bồi hồi nhớ lại.

Sau trận thua này, ông bị thầy Kim Kê – Đặng Văn Anh mắng cho một trận nhớ đời, và bài học “biết người biết ta trăm trận trăm thắng” lại một lần nữa được ông khắc cốt ghi tâm.

 

Cả đời gắn bó cùng nghiệp võ.

Sau khi từ giã đấu đài chuyên nghiệp, năm 1979 võ sư Kê Hoàng Hổ về Cà Mau mưu sinh, làm nghề nuôi tôm. Thế nhưng ngọn lửa võ học trong ông vẫn không ngừng cháy. Để rồi đến năm 1992 ông lại trở về TP.HCM chỉ để sát hạch lại, lấy tấm bằng võ sư rồi trở về Cà Mau mở lớp dạy võ tại địa phương. Đến năm 1996 ông mới trở về TP.HCM, ở quận 8 làm nhiều việc để lo cho gia đình và tiếp tục công việc huấn luyện và gìn giữ võ học cổ truyền cho thế hệ trẻ.

Cả một đời võ sư Kê Hoàng Hổ gắn bó cùng nghiệp võ theo những cách khác nhau, lúc trẻ có sức khỏe thì ông thượng đài, sau rồi chuyển sáng biểu diễn quyền, khi về già thì ông chuyển sang học Thái cực quyền, dưỡng sinh từ năm 2001. Năm 2003 ông tham dự các giải Thái cực quyền ở Thành phố và đều giành được nhiều huy chương, trong đó có cả HCV.

Cuộc sống thăng trầm dữ dội khiến ông phải bôn ba vất vã nhiều nơi, làm nhiều công việc tay chân nặng nhọc khác nhau, nhưng với vai trò là người ba, người ông trụ cột trong gia đình, ông vẫn cố gắng hoàn thành trách nhiệm của mình. Giờ đây, các con và cháu của ông đã lớn khôn, tất cả đều được học hành và có công ăn việc làm ổn định. Còn niềm đam mê võ học, ông vẫn luôn theo đuổi đến cùng. Đến nay đã tuổi cao sức yếu, võ đường CLB Tinh Võ quận 5 ông đã để người cháu rể quản lý, còn ông sớm hôm kinh kệ, thỉnh thoảng hứng chí tập lại những bài quyền, đi một vài đoạn binh khí, và kể lại những câu chuyện của cuộc đời mình cho lớp hấu bối nghe./.

Cùng xem videos lão võ sư Kê Hoàng Hổ biểu diễn bài Thanh Long Đao dù đã 70 tuổi:

 

Theo NGHĨA SƠN

CÁC TIN LIÊN QUAN