DANH MỤC

Độc đáo sân chơi đàn tranh trong bảo tàng tượng sáp

Lượt xem: 1125 -

Được biểu diễn đàn tranh, hợp tấu với nhiều nhạc cụ khác, sau đó còn được đi tham quan tượng sáp các nghệ sĩ nổi tiếng Việt Nam. Đó là sân chơi đàn tranh độc đáo vừa được tổ chức lần đầu tiên vào sáng chủ nhật, ngày 03/12 tại Bảo tàng Tượng sáp Việt (trong khuôn viên Nhà hát Hòa Bình, số 240 đường 3 tháng 2, quận 10, TP.HCM).

Đây là ý tưởng của Nhà giáo ưu tú – nhạc sĩ Phạm Thúy Hoan và nghệ sĩ đàn bầu Vân Anh, Trưởng nhóm nhạc Vân Anh Fusion Band, với mong muốn tạo thêm sân chơi cho những ai yêu thích tiếng đàn tranh đều có thể đến biểu diễn, giao lưu, học hỏi với các đội, nhóm khác. Khách đến tham quan bảo tàng còn có dịp thưởng thức phần biểu diễn hấp dẫn của sân chơi này.

NSUT. Thúy Hoan cho biết: “Đến với chương trình, mỗi người sẽ đăng kí một tiết mục biểu diễn của mình tùy theo khả năng, không phân biệt trình độ và thời gian học, chủ yếu tạo ra sân chơi và giúp các bạn mạnh dạn thể hiện trước đám đông, trước khi có đủ khả năng để biểu diễn ở các chương trình lớn”.

NGUT. Phạm Thúy Hoan từng là giảng viên Học viện Âm nhạc TP.HCM, là người sáng lập và Chủ nhiệm Câu lạc bộ Tiếng hát quê hương, chuyên dạy đàn tranh và các nhạc cụ dân tộc khác suốt 36 năm qua. NGUT. Thúy Hoan rất nhiệt huyết với cây đàn tranh, và mong muốn truyền dạy, giới thiệu đến nhiều người chơi nhạc cụ dân tộc để cùng nhau gìn giữ và phát huy âm nhạc truyền thống.

Sân chơi đàn tranh trong Bảo tàng Tượng sáp Việt

Hơn 90 phút diễn ra chương trình, khoảng 20 cây đàn tranh của những chủ nhân ở đủ mọi lứa tuổi đến từ nhiều câu lạc bộ trong thành phố, lúc thì thay nhau biểu diễn độc tấu, song tấu những bài sở trường, lúc thì cùng với đàn bầu, trống dân tộc, bộ gõ tạo nên những làn điệu hòa tấu với nhiều cung bậc cảm xúc. Qua tiếng đàn tranh, khán giả được thưởng thức các làn điệu dân ca của dân tộc như: Đoản xuân ca, Sương chiều, Thu hồ, rồi cùng hợp tấu qua những bản nhạc mang âm hưởng hiện đại như: Hồn quê, Long hổ hội, Come back to Sorrento… Khách tham quan bảo tàng hoặc khán giả nếu chơi được bất kì nhạc cụ nào đều có thể lên tham gia cùng chương trình.

Là người phụ trách biểu diễn phục vụ tại Bảo tàng, nghệ sĩ đàn bầu Vân Anh cho biết: “Giới trẻ hiện nay có xu hướng yêu thích các trào lưu âm nhạc hiện đại, ngoại nhập, và chúng ta dùng nhạc cụ dân tộc mà vẫn có thể chơi tốt các bản nhạc đó. Vừa giữ được nét đẹp văn hóa Việt Nam nhưng vẫn có thể giao lưu với các xu hướng âm nhạc hiện đại của thế giới, chính là cái độc, lạ mà nhạc cụ dân tộc có thể làm được”.

Biểu diễn đàn tranh trước tượng sáp cố GS. Trần Văn Khê trong bảo tàng

 

Tiết mục song tấu đàn tranh va đàn bầu của nghệ sĩ Hải Phượng (áo đỏ) và nghệ sĩ Vân Anh (áo dài tím, ngồi)

Dự kiến,  sân chơi đàn tranh tại bảo tàng Tượng sáp Việt mỗi tháng sẽ diễn ra một lần vào tuần đầu tháng, và lần sau sẽ phải đăng kí một bài khác lần trước. Ngoài ra, mỗi nhóm tham gia sẽ nhận những đề tài riêng để trong những lần sinh hoạt sau ngoài phần đã đăng kí sẽ biểu diễn đề tài riêng đã được ban tổ chức ra đề trước đó.

Sân chơi thút hút nhiều khán giả mến mộ đến thưởng thức

 

“Nếu sân chơi này được diễn ra trôi chảy thì dự kiến đến cuối năm 2018 chúng tôi sẽ tổ chức chương trình lớn – đó festival đàn tranh Việt Nam vào cuối năm 2018” – NSUT Phạm Thúy Hoan phấn khởi cho biết.

Thực hiện: Sơn Nghĩa

CÁC TIN LIÊN QUAN