DANH MỤC

Độc đáo cờ người võ thuật

Lượt xem: 1009 -

Ở Tp. Hồ Chí Minh có một trò chơi thu hút nhiều khán giả thưởng thức trong các dịp lễ hội hay mỗi độ xuân về: Môn cờ người võ thuật của võ phái cổ truyền Tân Khánh - Bà Trà.

Võ phái Tân Khánh – Bà Trà là sự kết hợp giữa tinh hoa võ Tây Sơn cùng những sáng chiêu mới để phù hợp với vùng đất hoang sơ, nhiều thú dữ khi một số người dân đất Bình Đình di cư vào Bình Dương lập nghiệp vào cuối thế kỉ 17. Sau này, cố Chưởng môn phái Tân Khánh – Bà Trà, võ sư Hồ Văn Lành (1914 – 2005), đã gầy dựng và phát triển mạnh mẽ môn phái vào Tp. Hồ Chí Minh. Trong quá trình phát triển môn phái, võ sư Hồ Tường (con của võ sư Hồ Văn Lành) cùng với các sư huynh đệ của mình dựa trên trò chơi dân gian cờ người ở miền Bắc đã sáng tạo ra trò chơi cờ người võ thuật vào năm 1989.

             

Quân của hai đội cờ đang dàn trận lúc mở đầu trận đấu. (Ảnh: Tư liệu).

Một pha tấn công của quân phái đỏ vào tướng xanh. (Ảnh: Tư liệu).

So với môn cờ người của miền Bắc, ngoài cách dùng người đi thay quân cờ và luật chơi giống cờ tướng thì cờ người võ thuật có những nét độc đáo rất riêng. Trong trò chơi cờ người võ thuật, các quân cờ đều do các môn sinh không phân biệt nam hay nữ thuộc môn phái Tân Khánh – Bà Trà trong trang phục hai bên xanh - đỏ thủ vai. Giữa ngực và sau lưng áo của mỗi thành viên đều may một miếng vải trắng để vẽ tên quân cờ tướng. Võ sư Hồ Tường hiện đang phụ trách đội cờ người võ thuật tại Nhà văn hóa Thanh Niên Tp. Hồ Chí Minh cho biết, trò chơi này có nhiều cách chơi nhưng phổ biến nhất là cách chọn đánh lại một ván cờ hay của các kỳ thủ nổi tiếng đã đánh rồi. Theo đó, các nước đi của ván cờ đều là các nước hay và độc đáo, đồng thời các thành viên trong đội cờ sẽ có nhiều thời gian để luyện tập thuần thục, tạo được sự hấp dẫn, thu hút nhiều thành phần người xem.

Các quân là môn sinh không phân biệt nam hay nữ thuộc võ phái cổ truyền TK-BT. (Ảnh: Nguyễn Vũ Thành Đạt).

Một quân xe của bên cờ đỏ chuẩn bị xung trận (Ảnh: Nguyễn Vũ Thành Đạt).

Mở đầu một ván cờ, quân của hai bên xanh - đỏ chạy từ hai góc sân vào tạo thành vòng tròn bao quanh bàn cờ, sau đó chạy vào vị trí của mình đứng cúi đầu chào nhau. Tiếp theo 32 quân cờ cùng dạo một bài quyền đặc trưng của bổn phái, vừa để chào khán giả vừa khởi động, làm nóng cơ thể. Một người ngồi ngoài, thường là một kỳ thủ có tiếng được mời đến tham dự trò chơi, sẽ đọc từng nước đi của ván cờ để các quân cờ người trong sân thực hiện theo. Sau một vài nước đi, người này có thêm lời bình cờ để người xem biết được nước cờ cao, nước cờ thấp.  Các quân cờ sẽ di chuyển bằng cách biểu diễn quyền cước hoặc binh khí. Trong đó roi và trường côn là các binh khí được ưu tiên sử dụng, vì đây chính là các võ khí đặc trưng của môn phái Tan Khánh – Bà Trà. Riêng quân tốt còn có thêm tấm khiên cầm tay dùng để che chắn. Khi một bên cờ bị ăn quân, hai quân cờ người sẽ ra khu vực rộng ở giữa bàn cờ (gọi là sông) để đánh nhau bằng cách biểu diễn những miếng võ độc đáo của võ thuật Tân Khánh – Bà Trà trong tiếng trống giục nhằm tạo khí thế cho quân cờ. Kết thúc ván cờ, tướng của hai bên sẽ ra quyết đấu với nhau, bên nào bị chiếu tướng bí thì bên đó thua cuộc. Bên thắng sẽ hô vang còn bên thua cúi mặt. Thông thường, mỗi ván cờ có thời gian thì đấu khoảng một giờ, vì thế các quân cờ đòi hỏi phải có sự phối hợp nhuẫn nhuyễn và tinh thần tập trung cao độ. Võ sư Lê Văn Trung, phụ trách đội cờ người võ thuật đơn vị Quận 4, Tp. Hồ Chí Minh tâm sự, các thành viên trong đội cờ người đều được chọn lọc kỹ từ hàng ngàn môn sinh của bổn phái, phải từ cấp hồng đai trở lên (tập võ từ 3 – 5 năm) thì mới được xét chọn.

Toàn cảnh một bàn cờ người võ thuật của môn phái TK-BT. (Ảnh: Nguyễn Vũ Thành Đạt).

Đội cờ người võ thuật đơn vị Quận 4 do võ sư Hồ Văn Trung phụ trách. (Ảnh: Tư liệu).

Những năm gần đây, cờ người võ thuật đã được nhiều người biết đến. Trò chơi này thu hút được nhiều thành phần khán giả. Có người thích xem cờ, người thích xem biểu diễn võ thuật cổ truyền, người lại ham thích sự náo nhiệt của môn cờ này mang lại. Anh Lê Hùng, một khán giả đợt biểu diễn cờ người võ thuật tại công viên Phú Cường, Tp. Thủ Dầu Một, tỉnh Bình Dương nhân dịp tết cổ truyền Việt Nam vui vẻ cho biết: “Hầu như năm nào cũng biểu diễn cờ người võ thuật ở đây và tôi đều đến xem. Tôi thích nhất cách con pháo ăn quân, vì đòn thế của nó rất đẹp. Tiếng trống giục khí thế cùng tiếng vỗ tay của khán giả đã mang đến bầu không khí thật sôi động”.

Vị tướng oai phong của bên quân đỏ chỉ đạo quân chiến đấu. (Ảnh: Tư liệu).

Cờ người võ thuật là trò chơi thú vị thường được chơi vào mỗi dịp lễ, tết cổ truyền. (Ảnh: tư liệu).

Hiện nay, cờ người võ thuật đã phát triển được 3 đội cờ ở Tp. Hồ Chí Minh. Các đội cờ đã được mời đi biểu diễn rất nhiều nơi, từ Nam ra Bắc đều nhận được sự cổ vũ nhiệt tình của khán giả. Trò chơi này thường phục vụ khán giả trong các dịp lễ lớn, tết cổ truyền, các đại hội thể dục thể thao, sự kiện văn hóa trong nước, trong các khu du lịch hoặc theo nhu cầu của khách hàng. Nhiều địa phương đã thành lập đội cờ người võ thuật như Khánh Hòa, Hội An…

Cờ người võ thuật vừa là một trò chơi thú vị, vừa góp phần gìn giữ và phát huy những tinh hoa, vẻ đẹp của võ cổ truyền Việt Nam./.

Dẫn theo Đạt Nghĩa

NHỊP SỐNG TV (Tổng hợp)

 

CÁC TIN LIÊN QUAN