DANH MỤC

Cựu chiến binh Mai Thị Tuyết và 15.000 lá thư nghĩa tình

Lượt xem: 1436 -

Hơn 15 năm qua, cựu chiến binh Mai Thị Tuyết ( quận Thủ Đức, TP. Hồ Chí Minh), đã lặn lội khắp các nghĩa trang, các chiến trường và biên giới phía Nam để tìm kiếm thông tin các liệt sĩ miền Bắc đã hy đã sinh rồi viết từng lá thư gửi về thông báo cho các gia đình để họ yên lòng và thuận lợi trong việc tìm kiếm thân nhân.

Chân dung cựu chiến binh Mai Thị Tuyết

Nói về công việc “đặc biệt” này, bà Mai Thị Tuyết kể lại rằng, trong một lần về lại quê hương Hải Hậu, Nam định để thăm lại đồng hương cũng là các đồng đội từng sát cánh trong cuộc kháng chiến chống Mỹ thì mới biết được những người còn sống rất ít mà những đồng đội đã hy sinh lại quá nhiều. Có những liệt sĩ mà thông tin về nơi mất không được xác định rõ ràng. Trong tâm bà mong muốn làm một điều gì đó giúp cho những đồng đội đã nằm xuống, cũng như thân nhân của họ được yên tâm mà thực hiện bổn phận của người còn sống đối với người đã khuất được chu toàn. Trở vô lại TP. Hồ Chí Minh, bà khăn gói lên đường tìm thông tin về các đồng đội đã hy sinh rồi viết thư thông báo thông tin về cho thân nhân ngoài quê được biết.

Cựu chiến binh Mai Thị Tuyết đã viết hơn 15.000 lá thư "nghĩa tình"

Trong 9 năm, bà Tuyết đã đến hầu hết các chiến trường và nghĩa trang ở miền Nam như: Bình Dương, Đồng Xoài, Lộc Ninh, Bến Cầu, Tân Uyên, Long An, Đồng Nai, TP. Hồ Chí Minh,… để thu thập thông tin về liệt sĩ. Rồi bà nhận ra không chỉ có các đồng đội ở quê mình nằm xuống, mà rất nhiều các chiến sĩ ở miền Bắc vào miền Nam chiến đấu và hy sinh. Thế là, một mặt bà ghi chép thông tin về các liệt sĩ đã ở các nghĩa trang, một mặt bà đi xin các danh sách, thông tin về các liệt sĩ miền Bắc tham gia kháng chiến và hy sinh từ các sư đoàn. Sau rất nhiều khó khăn, vất vả, bà đã tập hợp, thống kê và ghi chép các thông tin thành tập danh sách cẩn thận.

Bà viết thư hằng ngày

Khi có được các thông tin đầy đủ, bà bắt đầu viết thư gửi ra miền Bắc để thông báo đến từng gia đình để họ nắm được các thông tin cụ thể đầy đủ. Từ đó đến nay, bà đã viết được khoảng 15.000 lá thư và gửi ra cho thân nhân của nhiều tỉnh phía Bắc.

Các lá thư viết tay của bà Tuyết

Và rồi, những bức thư của bà đã có những phản hồi tích cực. Có những gia đình nhờ có thư của bà mà tìm được hài cốt người thân, đưa về quê an nghỉ. Có ngày, bà nhận được nhiều lá thư, cuộc điện thoại của người nhận được thư của bà để cảm ơn bà đã giúp họ. Có người từ ngoài Bắc vào tận nhà bà ở TP.HCM chỉ để trực tiếp nói tiếng cảm ơn đến bà. Trong đó, có một người ở Quảng Ninh đã gọi điện thoại cho bà và khóc nức nở: “Bà ơi, lá thư của bà gửi cho con còn quý hơn vàng, bởi vì 45 năm qua gia đình con không hề biết được tin tức của bố con hi sinh ở đâu. Nay nhờ lá thư của bà mà chúng con còn biết được. Con mừng lắm, cảm ơn bà thật nhiều.” Và đó là niềm an ủi vô bờ bến để bà tiếp tục công việc cho đến nay.

Ảnh tư liệu bà Tuyết trong thời kỳ kháng chiến (bên trái)

Để có tiền thực hiện công việc này, bà Tuyết tự lấy tiền lương hưu và tiền bán chè, bán hột vịt hằng ngày của mình để mưa thư, tem, giấy bút. Và cứ thế, nữ cựu chiến binh đã 70 tuổi đã âm thầm suốt gần 13 năm qua thực hiện công việc của mình một cách thầm lặng, tự nguyện.

Ảnh tư liệu bà Tuyết tại lễ đón nhận danh hiệu AHLLVTND

Ông Nguyễn Hữu Khánh, Chủ tịch Hội Cựu chiến binh phường Trường Thọ, quận Thủ Đức, cũng là người hàng xóm thân thiết với bà Tuyết, nhận xét: “Tôi cho rằng công việc này của chị Tuyết rất có tình có nghĩa với đồng đội, với quê hương, khi đã giúp đỡ được cho rất nhiều người tìm thấy hài cốt thân nhân của mình.”

Bà Tuyết chăm sóc vườn rau sau nhà làm thú vui tuổi già

 Nói về tuổi trẻ của cựu chiến binh Mai Thị Tuyết cũng không kém phấn đặc biệt. Trước đây bà Tuyết là xã đội trưởng xã Hải Chính, huyện Hải Hậu, tỉnh Nam Định. Năm 1966, bà đã chỉ huy một phân đội bắn rơi máy bay của quân địch. Thành tích vang dội này của bà đã được Chủ tịch Hồ Chí Minh khen hưởng. Cả tỉnh Nam Định lúc bấy giờ chỉ có bà Tuyết là người duy nhất được Chủ tịch Hồ Chí Minh trực tiếp ký và tặng huy hiệu cùng huân chương chiến công./.

Tác giả chụp hình lưu niệm cùng với cự chiến binh Mai Thị Tuyết

Theo Hoàng Ánh Trăng & Nguyễn Luân

CÁC TIN LIÊN QUAN