DANH MỤC

Chuyến xe buýt cuối tuần

Lượt xem: 1833 -

Sau khi tự “đầu độc” cái bao tử vốn không được khoẻ mạnh của mình bằng bữa sáng với nửa ly cà phê đen cùng hai muỗng đường cát, tôi vội vã ra bắt xe buýt về nhà. Không còn lựa chọn nào khác. Phần ăn ngày hôm qua của tôi đã giảm đến mức tối đa. Tôi đang cố gắng tăng cân. Nên đó là việc làm hết sức ngu ngốc. Song, tôi không thể làm khác. Trong túi tôi lúc này chỉ là khoản tiền bé mọn đủ cho hai chặng xe buýt từ chỗ trọ về nhà.

Những chuyến xe buýt cuối tuần bao giờ cũng đầy ứ người. Thật là may mắn khi tôi vẫn có thể tìm cho mình một chỗ gần cửa sau.Thật ra, nếu nói như vậy thì vô tình tôi đã “lăng-xê” cho ông (hay bà) thần may mắn ấy quá. Phải làm “mặt dày” một chút mới có chỗ đó đấy. Tôi bước lên xe liền sau một bà cụ từ trên xe bước xuống. Cái ghế trống ngay cửa sau xe sẽ không thuộc về tôi, nếu như hai cô gái, tôi đoán là bạn của nhau, không nhường qua nhường lại. Coi như làm phúc cho một trong hai cô gái ấy không cảm thấy khó xử, tôi liền sở hữu cái chỗ trống duy nhất ấy với chút áy náy mơ hồ. Thây kệ!

Cạnh tôi, phía ngoài, là một cô gái. Tôi chỉ biết thế. Còn cô ta tên gì, làm gì, đẹp, xấu thế nào… nói chung là những gì thuộc về cô ta tôi không biết và cũng chẳng có nhu cầu muốn biết. Thật ra trước đây tôi vốn là tên rất thích giao tiếp và luôn quan tâm đến những người xung quanh. Điều này thật dễ hiểu: hầu như những ai được sinh ra và lớn lên trong cái không khí trong lành, thân thiện của làng quê đều mang trong mình những điểm tốt ấy. Thế nhưng tôi đã nhiều lần bị người khác dội nước lạnh vào mặt khi mang những điểm tốt này ra khỏi bờ tre, ruộng lúa nhà mình. Nếu phải viết ra ở đây thì thật mất thời gian cho tôi và cả bạn nữa. Chỉ biết là ở cái thành phố xô bồ này thì sự quan tâm, đôi khi chỉ là một câu chào hay nụ cười xã giao cũng là mối nghi hoặc lớn. Rất nhiều khả năng bạn bị người khác cho là có ý đồ không tốt. Phải mất một thời gian tôi mới quen với điều này. Giờ thì độ thờ ơ của tôi đã tăng lên đáng kể. Không biết là nên buồn hay vui. Thế nhưng tôi luôn trăn trở về điều đó: Cuộc sống này còn ý nghĩa gì nữa nếu ta cứ châm châm nhìn vào những gì thuộc về mình?

“Lê”. “ Hai mươi”. “ Nhân văn”… Hoàn toàn không chú ý đến những câu trả lời cộc lốc của tôi, cô gái cứ hồn nhiên bắt chuyện. Cảm thấy mình bị làm phiền quá mức, tôi định phán “ một câu xanh rờn” cho cô ta tịt giọng. Dù khá mệt mỏi, song, ly cà phê đen lúc sáng cũng đủ làm cho tôi tỉnh táo để nhận ra rằng thật là vô lí và bất công cho cô gái khi tôi thực hiện ý định của mình. Bất thình lình tôi như chạm lại cái phức hợp cảm xúc tôi trải qua cách đây 2 năm. Gọi là phức hợp cảm xúc là chính xác nhất. Tôi chắc thế. Vì tôi hoàn toàn bất lực khi cố tìm cho nó một cái tên chính xác hơn nữa. Nó là sự trộn lẫn giữa ngỡ ngàng, ngại ngùng, tức giận và nhiều, thật nhiều cung bậc cảm xúc khác nữa. Bất thình lình tôi thấy mình đang đi trong khuôn viên trường đại học giữa một trưa đầy nắng. Ngược chiều với tôi là một thằng con trai đang lê từng buớc khó nhọc với một bên chân bị bó bột cùng cây nạng gỗ đang gõ lộc cộc xuống mặt đường. Cái cặp một bên vai của thằng đó có vẻ nặng nề với nó lúc này. Tôi nghĩ thế và bước nhanh về phía nó.

- Chân anh làm sao vậy? Cần tôi giúp gì không?

Nó dừng bước, nhìn tôi một cách vô cảm, đúng hơn là tôi không biết cùng với ánh nhìn đó nó đang nghĩ gì.

- Cảm ơn. Có quen không mà hỏi. Cái laptop này cũ rồi nhen. Nó vỗ vỗ bàn tay vào chiếc cặp, nhìn tôi lần nữa rồi lộc cộc buớc đi. Tôi như bị trời trồng dưới nắng, chợt nhận ra mình đang đứng ở một sân khấu khác, cần phải diễn cái vai khác, cái vai chân thành, hiền hậu nơi sân khấu cũ đã không còn hợp nữa rồi. Đó là bài học đầu tiên khi tôi bước chân lên phố. Tôi không muốn học lại và càng không muốn dạy ai bài học đó. Vì thế tôi cố hít thật sâu, day sang cô gái với những lời lịch sự nhất có thể để nói. Song, tôi đã muộn, cô vội vàng đứng lên, nhường chỗ cho một ông già có đôi lông mày lưa thưa trắng vừa lên xe.

- Xe này mấy ngàn vậy, cô?

- Dạ, ba ngàn, ông. Cô gái vừa ra sức bám vào thành ghế vừa mỉm cười

thân thiện.

- Cô coi dùm tui coi, mắt mũi mù mờ quá, không biết tiền nào là tiền nào.

Ông già đưa xấp tiền về phía cô gái tốt bụng đã nhường chỗ cho ông.

- Ông trả tờ trăm này đi. Phải chi có tiền lẻ con đổi cho. Ông cất tiền kỹ,

xe đông quá, coi chừng…

Đúng như tôi nghĩ. Lên xe nên ngồi ghế trong. Đỡ phải nhường qua nhường lại. Phiền phức. Đành rằng không ai bắt mình làm thế. Nhưng dù gì cũng thuộc “diện có học” nên thấy ngại ngại khi mình ngồi chiễm chệ mà đứng sát bên mình là một người già hay chị phụ nữ có con nhỏ hoặc người khuyết tật nào đó.

- Lần sau chuẩn bị tiền lẻ nghe ông già, ai thời gian đâu thối mấy tiền này. Thằng tiếp viên cỡ tuổi tôi vừa đếm tiền vừa cằn nhằn.

- Xe này có đi An Suơng không chú? Ông già hỏi khi nhận lại mớ tiền từ tay hắn.

- Trời, có bảng sao không coi, bây giờ mới hỏi, có, nếu đi lộn xe cũng không nhận lại tiền đâu nhe ông già. Thằng tiếp viên nhăn mày, liếc về phía cô gái. Cô gái day nhanh sang hướng khác, như không đồng tình với cách ăn nói thiếu lễ độ đó, vịn vào vai ông già.

- Chút tới An Sương con kêu ông cho.

Chuyến xe buýt cuối tuần (ảnh minh họa: Internet)

 

Xe đến trạm Sóng Thần thì xảy ra vụ va quẹt. Tôi nhận biết được điều đó sau cú chúi đầu ngoạn mục vào thành ghế. Đám con gái la oai óai. Đám con trai lửng cửng thì cười hớn hở vì nhờ xe phanh đột ngột mà chúng có thể “va quẹt” một cách hợp lí vào những chỗ nhạy cảm nào đó của những cô gái nào đó mà chúng “địa” từ lúc mới lên xe.

- Lũ mất dạy!

 Dù đã đạt đến mức thượng thừa cái “ kỹ năng” không nghe không thấy không biết những gì không liên quan đến mình, song, tôi cũng không thể kiềm chế được cơn bực dọc. Dĩ nhiên, cái câu cảm thán ấy chỉ có thể lướt nhay nháy ngang đầu tôi như một ánh chớp mùa đông, chứ không có cơ hội thoát ra ngoài qua cửa miệng. Vì tôi lí trí đến mức có thể hình dung được tình trạng tồi tệ mình có thể lâm vào sau đó. Dưới đường, bên lề phải, một cô gái ăn mặc đúng “mốt” đang săm soi chiếc xe đời mới bóng loáng.

- Bắt nó đền đi anh, xe trầy hết rồi. Cô gái rời mắt khỏi chiếc xe, hướng về chàng trai đang dùng mủ bảo hiểm đập vào thân xe buýt, vừa đập vừa văng tục:

- Đ.m, bây chạy con c. gì vậy?

- Không có gì lớn hết, đi đi cha ơi. Công an lại phiền phức lắm. Thằng tiếp viên nói qua cửa sổ cạnh tôi.

Cô gái nghe thế, nổi điên, cũng văng tục.

- Má mày đây hay gì mà không có gì? Anh, anh chặng đầu xe nó lại, bắt nó đền.

Mọi người trên xe nhốn nháo:

- Chạy đi bác tài ơi, nóng nực quá. Không chết là may lắm rồi à. Ông này chạy vậy là chậm lắm rồi đó.

Tôi bắt đầu muốn ói. Tiếng bàn tán. Tiếng chửi bới. Tiếng động cơ hàng mấy chục chiếc xe đang xếp hàng phía sau. Mùi người. Mùi xăng dầu. Mùi của hàng trăm thứ tạp nham khác.

Chuẩn bị kẹt xe rồi. Tôi móc di động, tìm số đường dây nóng của chương trình “Thông tin giao thông” trên đài phát thanh X., nhấn nút có biểu tượng màu xanh trên bàn phím. “Có một mình mình kẹt ở đây thôi đâu. Có khi còn bị đập vì bị nghi là phản ánh gì đó”. Nghĩ thế, tôi nhấn nút cắt cuộc gọi khi đầu dây bên kia vang lên giọng nói quen thuộc “Chương trình thông tin giao thông xin nghe”. Tôi mở khoá cặp, tìm tép chew-gum.

- Phải nhờ đến nó thôi, kẹt xe rồi.

Mọi người vẫn nhốn nháo. Tài xế và thằng tiếp viên vẫn khoá chặt cửa xe. Đôi trai gái trẻ, ăn mặc sành điệu vẫn không ngừng chửi bới. Xe cộ đỗ về mỗi lúc một đông hơn.

- Dạ, đúng rồi chị. Tại nhà thờ Z. Có vụ va quẹt nhỏ. Bất đồng trong cách giải quyết nên bị ùn nhẹ. Vẫn chưa thấy cảnh sát giao thông. Có nguy cơ tắt đường chị ạ. Dạ, dạ…

Mọi sự chú ý trên xe đều dồn về phía cô gái đã “làm phiền” tôi lúc nãy.

- Phải thông báo cho người ta biết, để người ta còn tìm cách điều tiết nữa

chứ…

Cô gái nói, tỉnh queo.

Tôi thấy tôi hèn.

Vụ va quẹt được giải quyết một cách nhanh gọn sau khi mấy tay cảnh sát giao thông(có lẽ vừa xong một buổi ăn sáng kéo dài) xuất hiện. Chiếc xe lại lưu thông bình thường. Tài xế mở đài FM đúng vào những phút cuối của “Chương trình thông tin giao thông buổi trưa”. Cô MC hào hứng thông báo tên và số điện thoại của vị thính giả may mắn nhất đã nhiệt tình tham vào chương trình trưa hôm ấy.

- Xin cảm ơn và xin chúc mừng nữ thính giả tên K., chủ nhân của số điện thoại 0909123XXX, phản ánh về vụ kẹt xe ở trạm Sóng Thần, đã may mắn trong đợt quay số ngẫu nhiên của tổng đài chúng tôi vào buổi trưa hôm nay. Bạn đã nhận được phần quà là thẻ nạp với mệnh giá năm trăm ngàn đồng vào tải khoản số điện thoại vừa nêu”.

Tôi quay lại thì cô gái “nhiệt tình và may mắn” (lời của cô MC) đã không còn đứng bên cạnh ông già nữa.

Xe thong dong về bến.

 

***

Trưa hôm đó, tại bến xe An Sương có một đám đông vây quanh một ông già có đôi lông mày lưa thưa trắng. Họ bàn tán xôn xao. Người thì trù ẻo, chửi rủa cái đứa đã cuối xuống và nhặt chiếc khẩu trang của nó đã vô tình( hay cố ý) rơi trên giỏ xách của ông già. Họ quả quyết rằng chính nó là kẻ đã lấy luôn mớ tiền của ông.

- Sao bác không coi tiền liền sau khi nó cuối xuống?.

- Lúc đó Qua đâu có nghĩ nó lấy của Qua. Nó tử tế lắm, còn nhường ghế và chỉ đường

cho Qua nữa mà….

Ngược lại, cũng có người cho là ông già dựng chuyện để xin tiền mọi người.

- Cái trò này cũ lắm rồi, tui đi “xe bích” mòn đít rồi nên gặp quài…

Tôi thì tin ông già không dựng chuyện. Ngặt một nỗi, trong túi chỉ còn đúng khoản tiền cho chặng xe buýt cuối cùng.

Những chuyến xe buýt cuối tuần đầy ứ người nặng nề xuất bến, nặng nề đi qua đám đông và câu chuyện của ông già có đôi lông mày lưa thưa trắng.

Và tôi cũng thế.

 

Lê Minh Tú

CÁC TIN LIÊN QUAN