DANH MỤC

Chuyện chưa biết về "Hùm xám miền Nam" và tuyệt kỹ "Hổ ba chân"

Lượt xem: 2603 -

200 năm trước, có một tuyệt kỹ võ công của dân tộc đã được lưu truyền rộng rãi trong dân gian như một vũ khí chống thú dữ, giặc ngoại xâm, như một chữ đạo để người đời tu tâm dưỡng tính. Thế nhưng, thời buổi loạn ly, vật đổi sao dời, tuyệt kỹ ấy như kim trầm đáy bể. Rồi bỗng một ngày những năm 40 thế kỷ trước, tuyệt kỹ ấy quay lại với một người con Bình Định, biến ông thành “Con hùm xám miền Trung”, người chưa bao giờ biết đến chữ bại trên con đường võ nghiệp.  Và khi “Hùm xám” về trời, người đã để lại tâm huyết võ nghiệp cùng tuyệt kỹ huyền thoại của mình cho người học trò ưu tú Hà Trọng Ngư để ông đem nó nam tiến và biến mình thành “Hùm xám miền Nam” với tuyệt kỹ “Quyền ba chân Hổ” bí truyền.

Huyền thoại một tuyệt kỹ võ công

Trong một lần công tác, chúng tôi có cơ duyên gặp võ sinh theo học võ cổ truyền. Buổi tiếp xúc, chúng tôi được biết về danh xưng “Con Hùm xám miền Trung”, võ sư Hà Trọng Sơn người được giới võ học Bình Định biết đến với chiến tích bất bại trong cuộc đời võ học. Khẳng định về nguyên nhân “Con Hùm xám” chưa bao giờ biết đến chữ bại trên con đường võ nghiệp là: “Thầy là truyền nhân của tuyệt kỹ Quyền ba chân Hổ, một tuyệt kỹ võ thuật cổ truyền, bí hiểm gần như thất truyền trước đó”.

Võ sư Hà Trọng Ngự và tuyệt kỹ "Quyền ba chân hổ"

Thông tin về loại võ công trên, anh khẳng định: “Đó là một tuyệt kỹ hoàn toàn Việt Nam và vô cùng lợi hại. Muốn biết thêm phải tìm võ sư Hà Trọng Ngự mới thông”. Lần theo những chỉ dẫn mơ hồ của võ sinh trên, chúng tôi có buổi gặp vị võ sư già nhưng gân guốc có đôi mắt tinh anh tại võ đường của ông trong chùa Đồng Hiệp.

Chia sẻ về loại võ công bí truyền trên, vị võ sư già cho biết: “Tuyệt kỹ Quyền ba chân Hổ” là một loại võ công có tính sát thương vô cùng lớn và đòi hỏi một sự khổ công rèn luyện. Không ai còn nhớ rõ người sáng chế ra nó nữa. Nhưng nguồn gốc của nó thì không một võ sinh nào của môn phái tôi không biết cả”.

Theo đó, Quyền ba chân Hổ được khai sinh tại khu vực núi Bà thuộc huyện Phù Cát, tỉnh Bình Định. Theo lời ông, tại đây, trên hai trăm trước có xuất hiện một con cọp 3 chân to lớn và hung hãn. Người dân nơi đây luôn lâm vào cảnh bị hổ vồ, cọp bắt chết mất xác hoạc được tìm thấy với cơ thể bị xé xác nham nhở những miếng thịt thừa. Trong một thời gian dài, hổ 3 chân là nỗi khiếp đảm của cả vùng núi Bà này. Tin về cọp dữ ăn thịt người, khiến người dân không dám lên rừng và cửa luôn cài then khi chiều xuống.

Tuy nhiên, vào một ngày nọ, có một người tiều phu vào rừng hái củi và trở về làng khi hoàng hôn đã buông, trời đã xẩm tối. Người tiều phu chưa kịp rời rừng đã nghe mùi tanh tưởi bốc ra, khi quan sát thì kinh hoàng phát hiện một con cọp to lớn đứng trên 3 chân to tướng, nhe nanh chực vồ mồi. Chưa kịp định thần, con cọp đã lao đến vồ mồi. Tuy nhiên, bằng một cách nào đó, người tiều phu nhanh chóng nhảy người né tránh và xoay người dùng đòn gánh gủi quật ngang vào mạn sườn con thú dữ. Trúng đòn, mãnh hổ quay người, thủ thế hòng nuốt tươi con người bé nhỏ.

Theo nhận định của các bậc tiền nhân cũng như võ sư Hà Trọng Ngự, rất có thể người tiều phu kia là một bậc anh hùng tinh thâm võ thuật hoặc một viên võ tướng ẩn mình chờ thời, nếu không đã bỏ mạng với cop dữ. Trước sự hung hãn của mảnh hổ, người tiều phu nhanh như cắt rút đòn sóc đã được vuốt nhọn để làm đòn gánh củi thủ thế. Trong ánh trăng mờ ảo, người và vật quần nhau nhiều giờ liền vẫn chưa phân thắng bại. Dưới ánh trăng đêm, tiền nhân chăm chăm ghi nhận những cú lao tới vồ mồi, lúc phóng lên không, khi trụt xuống, tát những cú trời giáng vào mình. Người tiều phu cũng nhanh nhẹn tránh né, lúc nhảy cao, lúc hụp xuống khi lăn mình tránh đòn hiểm.

Cuối cùng, khi sức cùng lực kiệt, cả thân người và vật đều thấm đẫm mồ hôi và máu tươi, người tiều phu đành ngồi xếp bằng ôm đòn gánh nhọn chống lên với hi vọn mong manh từ một cú phóng tới chộp mồi của cọp giữ. Không ngờ, điều kì diệu đã sảy ra, con cọp dữ phóng mình lên không, giơ vuốt nhọn chụp xuống, bóng nó phủ kín người tiền nhân. Một tiếng gầm xé trời, con cọp dữ trúng đòn hiểm nhưng nó vẫn đau đớn vùng vẫy thoát thân vào rừng.

Trở về làng sau từ cửa tử, người tiều phu nhớ lại cảnh chiến đấu cùng cọp dữ và nhận thấy trong những cú vồ của mãnh hổ như những đòn thế võ học tuyệt kỹ. Người ấy đã nhớ và ghi lại thành những thế võ rồi dụng công tập luyện để nó trở thành tuyệt kỹ Quyền ba chân Hổ danh chấn lúc bấy giờ.

Và con “Hùm xám miền Nam”

Theo lời vị võ sư họ Hà, sau khi luyện thành Quyền ba chân Hổ, người tiều phu đã phổ biến trong dân làng để nó trở thành một thứ vũ khí chống thú dữ, giặc ngoại xâm, như một chữ đạo để người đời tu tâm dưỡng tính và hi vọng nó được lưu giữ mãi về sau. Tuy nhiên, trong thời buổi loạn ly, Quyền ba chân Hổ như cây kim trầm xuống đáy bể tưởng chừng như mai một. Thế nhưng theo những bậc lão nhân biết về tuyệt kỹ này thì: khi giới võ học Bình Định thời ấy gần như quên đi Quyền ba chân Hổ thì cố võ sư Hà Trọng Sơn xuất hiện, đưa nó lên tầm cao vốn có của mình.

Võ sư Hà Trọng Ngự (ngoài cùng bên trái) - Chưởng môn Võ Ta - Tây Sơn Bình Định

Tuy nhiên, người đem Quyền ba chân Hổ vượt biên giới miền Trung vào Nam và vượt biên giới Việt Nam đến Mỹ và Na-uy lại là anh học trò ưu tú của “Con Hùm xám miền Trung”. Thông tin về quá trình được lĩnh hội và luyện tập tuyệt kỹ bí truyền trên, võ sư Hà Trọng Ngự cho biết: “Đây là loại võ công bí truyền thuộc vào hàng tuyệt kỹ nên chỉ được truyền trong gia đình. Và cũng không phải ai cũng học được. Phải là những người thực sự có tố chất mới có thể lĩnh hội  những tinh túy trong tuyệt kỹ ấy. Thêm nữa, quyền trên là loại võ thuật có tính sát thương rất cao. Do đó sẽ rất nguy hiểm khi rơi vào tay kẻ bất lương. Theo đó, chỉ trong những tình thế chẳng đặng đừng người học mới được sử dụng Quyền ba chân. Do đó người tiếp thu bài quyền đòi hỏi phải có tư chất, đạo đức, và có cái tâm”.

Theo lời ông, chúng tôi được biết, võ sư Hà Trọng Ngự khai tâm học võ từ năm 6 tuổi và người thầy đầu tiên của ông là người bác ruột, võ sư Hà Trọng Sơn. Và trong các đệ tử của “Con Hùm xám miền Trung” duy chỉ có Hà Trọng Ngự là người hội đủ những tố chất để lĩnh hội Quyền ba chân Hổ. Theo đó, cố võ sư Hà Trọng Sơn đã quyết định chọn ông làm người chân truyền tuyệt kỹ giờ đây đã trở thành báu vật gia truyền của gia đình.

Trả lời chúng tôi về những tháng ngày khổ luyện tuyệt kỹ trên, võ sư Hà Trọng Ngự cho biết: “Con đường võ học không dành cho người thiếu kiên trì và có sức chịu đựng gian khổ. Đặc biệt là khi phải luyện một tuyệt kỹ võ học. Muốn bắt được cái tinh túy của Quyền ba chân Hổ, người luyện phải nắm được cái thần thái của con hổ và biến mình thành mãnh hổ với đủ mọi vũ khí của con cọp”.

Theo đó, để luyện Quyền ba chân Hổ, người luyện phải tiếp xúc với võ thuật từ rất nhỏ để có được một nền tảng võ học vững chắc. Các phương pháp tập luyện các pháp trong tuyệt kỹ cũng vô cùng phức tạp và yêu cầu sự kiên trì, chịu khó cao độ. Chia sẻ sơ lược về một vài phương pháp luyện tập các pháp trong Quyền ba chân Hổ, lão võ sư cho biết: để nắm được Quyền ba chân Hổ, võ sinh phải luyện thành 5 pháp khác nhau bao gồm: thân pháp, tấn pháp, thủ pháp, cước pháp, nhãn pháp và cuối cùng là thần sắc.

Một trong những pháp khó luyện nhất là thủ pháp. Theo đó, để có được bàn tay cứng như sắt thép, uy lực như vuốt mãnh hổ, các võ sinh phải dùng tay không xúc vào đá 1x2 mm liên tục cho đến khi bàn tay xơ tước, rướm máu rồi mới ngâm tay vào thuốc võ bí truyền. Tiếp tục luyện như vậy cho đến khi da và các đầu ngón tay không còn cảm giác đau đớn nữa lại thay đá bằng sạn và đá loại lớn hơn. Hỗn hợp đá và sạn trên sẽ được trộn với thuốc võ đổ vào chảo được đặt trên lửa đỏ. Võ sinh phải dùng tay liên tục đảo hỗn hợp trên trong lửa đỏ cho đến khi tay nóng không chịu được mới rút ra ngâm vào thuốc. Cứ thế cho đến khi chịu được mức nhiệt cao nhức.

Để có được Hổ trảo uy lực, ngoài việc cần có bàn tay cứng chắc, người luyện còn phải dùng năm đầu ngón tay bấu, chụp vào các vật cứng từ nhẹ đến mạnh để luyện lực kéo, xé, bóp, …

Hay để có thân pháp như một chúa sơn lâm, võ sinh phải tập nhảy khỏi hố sâu với chân trần, chân mang chì từ nhẹ đến nặng cho đến khi mang được 2 chân 20 kg nhảy ra khỏi hố sâu 1m rộng 1m, …

Có thể nói, đến bây giờ, sau những thời gian gần như bị lãng quên, Quyền ba chân Hổ đã trở lại và mạnh mẽ với vị truyền nhân mới, góp phần nâng cao giá trị tinh thần văn hóa của võ thuật cổ truyền Việt Nam nói riêng và văn hóa Việt nói chung trong nước cũng như trên thế giới.

Võ sư Hà Trọng Ngự là trưởng môn phái Việt Nam Võ Ta - Tây Sơn Bình Định. 5/2/2009, ông được bổ nhiệm làm Phó Giám đốc Trung tâm nghiên cứu - ứng dụng võ thuật TP HCM. Ngoài việc truyền thụ thành công Quyền ba chân Hổ cho hai võ sư Hà Trọng Kha Vy, Hà Trọng Kha Sơn ông còn truyền dạy cho  võ sư Trương Thành Tâm tại Na Uy. Chia sẻ về ước mơ vinh danh võ thuật cổ truyền Việt Nam, ông cho biết: “Võ thuật nước nhà là tinh túy của lịch sử dân tộc. Nhà nước, các cấp chức năng cần quan tâm hơn nữa, cần tìm cách thúc đẩy hơn nữa sự phát triển của võ thuật cổ truyền nước nhà, đưa võ cổ truyền Việt Nam sánh ngang võ thuật thế giới”.

Theo HERI HÀ

CÁC TIN LIÊN QUAN