DANH MỤC

Chương trình biểu diễn thơ - nhạc - kịch Á Nam Trần Tuấn Khải

Lượt xem: 1581 -

Vừa qua, tại Cung Văn hóa lao động TP.HCM (quận 1) đã diễn ra chương trình Thơ - Nhạc - Kịch mang chủ đề "Trung hiếu lưỡng toàn" nhằm góp phần lan tỏa những tác phẩm thơ, văn yêu nước của người thầy giáo, chí sĩ Á Nam Trần Tuấn Khải, đồng thời tri ân nghề giáo nhân dịp ngày Nhà giáo Việt Nam (20/11) sắp tới. Sự kiện do bà Lan Hinh - con gái của Á Nam Trần Tuấn Khải phối hợp với khoa Văn học (đại học KHXH&NV TP.HCM) tổ chức.

Nữ sĩ Lan Hinh - con gái của Á Nam Trần Tuấn Khải phát biểu tại chương trình

Tại chương trình, đa dạng các loại hình biểu diễn như: ngâm thơ, đàn tranh, ca trù, cá Huế, kịch, xẩm, hát văn, múa hát, viết thư pháp... nhằm thể hiện lại những tác phẩm nổi tiếng của tác giả Trần Tuấn Khải thông qua các nghệ sĩ, các đơn vị tham gia như: Nghệ sĩ Thục An, NGUT. Phạm Thúy Hoan, NS. Đức Tâm, NS. Đại Lợi, TS.NS. Hải Phượng, sinh viên khoa Văn học (đại học KHXH&NV TP.HCM)...

Tiết mục Mời trầu của nhóm Trúc Xinh mở đầu chương trình

Nhiều tác phẩm nổi tiếng của người chí sĩ yêu nước Trần Tuấn Khải như: Tráng sĩ hành, Gánh nước đêm, Anh Khóa, Vịnh Thủy Hử, Nhắn bạn đa sầu, Hỡi cô bán nước... được làm "sống dậy" trong lòng người mến mộ trong một không gian ấm áp, gần gũi.

PGS.TS. Đoàn Lê Giang phát biểu về sự nghiệp Á Nam Trần Tuấn Khải và bài thơ Tráng sĩ hành

Tại chương trình, nữ sĩ Lan Hinh - con gái của cụ Á Nam Trần Tuấn Khải xúc động ngâm lại bài thơ "Anh Khóa" đầy xúc cảm.

TS.NS. Hải Phượng đệm đàn tranh cho phần ngâm thơ của nữ sĩ Lan Hinh

Nữ sĩ Lan Hinh bày tỏ: Thông qua chương trình chúng ta đang thừa hưởng và làm sống lại những di sản của cha tôi và tôi mong muốn giới thiệu nhiều thêm nữa những di sản này đến đông đảo công chúng, đặc biệt là thế hệ trẻ, sinh viên các trường đại học.

Nữ sĩ Lan Hinh nhận được nhiều tình cảm từ người thân và bạn bè

Nghệ sĩ Đại Lợi ngâm bài thơ Tráng sĩ hành với tiếng đàn tranh của TS.NS. Hải Phượng

Trong ảnh: PGS. TS. Lê Quang Trường - Trưởng khoa Ngữ văn (trường ĐH KHXH&NV TP.HCM) tặng quà nữ sĩ Lan Hinh là hai bài thơ viết bằng chữ Hán của Á Nam Trần Tuấn Khải cùng với phần dịch nghĩa.

Bà cũng ngõ ý muốn đưa chương trình vào giới thiệu cho học sinh, sinh viên trong các trường với tinh thần hoàn toàn miễn phí, nhằm giúp các em có thêm cơ hội tiếp cận, tìm hiểu và cảm nhận một cách trực quan, xúc cảm nhất về một tác giả tiêu biểu trong lịch sử thơ ca chữ quốc ngữ của Việt Nam đầu thế kỷ 20. 

Kịch "Trung hiếu lưỡng toàn"

Tiến sĩ - nghệ sĩ Hải Phượng trình diễn đàn tranh tác phẩm "Tình ca đất Bắc" do tác giả - NGƯT. Phạm Thúy Hoan sáng tác dựa trên cảm hứng lấy từ bài "Anh Khóa" của chí sĩ Á Nam Trần Tuấn Khải.

NS. Thục An (ngồi giữa) biểu diễn ca trù "Vịnh Thủy Hử"

Các tiết mục múa, hát của sinh viên khoa Văn học (trường ĐH KHXH&NV TP.HCM)

Được biết, Nữ sĩ Lan Hinh nhiều năm qua đã dày công xây dựng Á Nam lưu niệm đường (phường Hiệp Bình Chánh, quận Thủ Đức) là nơi tưởng niệm người chí sĩ yêu nước cũng như là sân chơi, giao lưu nghệ thuật, tưởng nhớ đến con người và các sáng tác của Á Nam Trần Tuấn Khải.

Chương trình thu hút nhiều bạn trẻ, là sinh viên các trường đại học tại TP.HCM đến tham dự

Trong sự nghiệp sáng tác, Trần Tuấn Khải có nhiều bút danh, nhưng thường dùng là Á Nam. Ông sinh năm 1895, quê ở Quang Xán, huyện Mỹ Lộc, tỉnh Nam Định, là hậu duệ đời thứ 28 của Hưng Đạo Vương Trần Quốc Tuấn. Ngoài sáng tác truyện, thơ, kịch, dịch sách, dạy học, ông còn tham gia hoạt động cách mạng. Năm 1985, tên của ông được sử dụng để đặt tên cho một con đường tại quận 5, TP.HCM./.

Các nghệ sĩ, khách mời chụp hình lưu niệm tại chương trình

Theo NGHĨA SƠN

 

CÁC TIN LIÊN QUAN