Thật ra chị tên Phà Ca, Lê Thị Phà Ca. Hồi đó cha chị rất ghiền “Người vợ không bao giờ cưới”. Ngày mẹ chị sinh, biết chị là con gái, ông mừng húm. Không chút đắn đo, ông chạy ù ra xã đăng ký ngay khai sanh cho chị với cái tên của cô sơn nữ dễ thương trong tuồng cải lương ruột của ông.
Lúc nhỏ, chị èo uột lắm. Hàng xóm nói ai biểu đặt tên chi đẹp quá nên khó nuôi thì phải. Hay đổi thành con Đèo, con Đẹt, con Đẻn gì đó cho con xác nó chê nó không có nuốt, mới nuôi được. Sợ mai mốt chị lớn, chị mắc cỡ vì mấy cái tên khó nghe đó, suy nghĩ lung lắm, cuối cùng cha chị nhờ một người hàng xóm mang chị ra bỏ ở ngã ba đường cái, ông giả đò đi ngang chỗ đứa con gái đang khóc đỏ mặt, ẵm lên, lại giả đò “ Ui cha, con ai mà bỏ ở đây. Ai bỏ tui lượm về tui nuôi à nhen!”.
Dĩ nhiên sau này hai chị em thân thích hơn chị mới kể tôi nghe chuyện đó. Còn lần gặp đầu, chị cứ hồn nhiên:“em tên Lượm, Lượm trong “ lượm mót” chứ không phải lì lợm à nhen”.
Những khi nghĩ đến chị, nhớ đến lần đầu tiên gặp chị, tôi luôn tủm tỉm cười một mình. Dù đang ngồi trong lớp học hay đang đi ngoài đường. Nếu ai không biết thật sự tôi đang nghĩ gì thì họ rất có thể cho rằng tôi bị mắc “thằng bố” hay cũng chạm dây gì á.
Trưa đó, tôi đang cắm cúi với chiếc đùi gà chiên trong quán cơm cạnh chỗ trọ. Có tiếng lẹp kẹp trước mặt, tôi ngước lên: một phụ nữ với khuôn mặt hoàn toàn biến dạng, cái cổ dài bất thường cứ đưa qua đưa lại liên tục sau mỗi cử động nói, tay cầm vài tờ vé số, đưa về phía tôi.“ Anh ơi, làm ơn mua dùm em mấy tờ đùi gà”. Tôi chưng hửng, trố mắt nhìn về phía chị, nghĩ liệu mình có nghe nhầm. Chị lặp lại lần thứ hai câu mời mọc ấy một cách khó nhọc. Sau vài giây cái đầu vốn nhanh nhạy bị “ đơ” vì câu mời lạ, tôi nghiệm ra rằng có lẽ chị đang đói, thấy cái đùi gà vàng ươm, thơm lừng trên tay tôi nên vô thức bật ra những lời đó. Tôi cười nhẹ với chị, tỏ vẻ thông cảm, mời chị ngồi xuống bên cạnh. Tôi kêu một phần cơm gà mới. Chị khăng khăng: “Thôi, em mới ăn. Ai làm vậy. Với lại em phải đi bán cho hết mấy tờ vé số này, không thì ôm, chiều lỗ chết”. “Chị đừng ngại, tôi kêu rồi. Nếu chị không ăn, tôi không mua giúp chỗ vé số naỳ à”. Sau một hồi cù cưa, chị cũng ngồi xuống. Ăn một cách miễn cưỡng.
***
- Má ơi con má hư rồi/ Còn đâu má gả mà đòi vàng y…
Chị nằm ngửa người trên ván, mái tóc dài phên phết đất, ru thằng út ngủ. Bà ngoại nằm trên chiếc giường đối diện, ngồi dậy, rầy: “Con gái con lứa mới lớn, thiếu chi câu không hát, hát gì mấy câu đó, con”. Chị ngóc đầu, ngoẻo mặt về phía ngoại, cười hăng hắc, ngoại sợ con hư à, mà hư là sao vậy ngoại. Vậy thôi, con hát cái khác nghe ngoại. Chị nắm sợi dây võng kéo nhẹ, cất giọng, như đang cố tình chọc giận ngoại: “Má ơi con má hư rồi/ Dầu thơm má xức phấn dồi cũng hư”. Chị lại ngoẻo đầu nhìn về phía ngoại, xem có cái củ chổi nào từ đó bay qua không để còn biết đường tránh. Ngoại hậm hực, cái con cứng đầu, nói quài không chịu nghe, kệ cha mày. Nói rồi ngoại ngồi dậy, xỏ chân vào dép, lụm cụm ra sau vườn kiếm mớ trầu cho cữ trưa. Chị cười hăng hắc, trước sự chịu thua của ngoại.
Năm đó chị mười lăm tuổi. Nghe người ta hát thì hát vậy thôi. Chứ không biết hư là thế nào, vàng y là vàng gì, phấn dồi là phấn ra làm sao.
Dù ít dù nhiều chị cũng thuộc loại “cứng đầu” như lời ngoại nói. Nên mấy đời chị tin vào số mệnh, mấy đời cái câu hát ru em buồn buồn đó lại vận vào đời chị. Với lại, mỗi ngày trên khắp cái xứ Nam Bộ này có biết bao đứa con gái ru em như thế, không lẽ đời chúng đều buồn như thế hết sao. Nên chị cứ hát. Hát những câu hát chị thích, dù nó buồn buồn, dù hiểu hay không hiểu. Chứ không lẽ lại ru em bằng “thùng thình thùng thình, trống đánh ngoài đình, có con sư tử múa quanh vòng quanh” . Rộn ràng đó. Nghe vui vẻ đó. Nhưng mà cái tên nằm trên võng nhất định sẽ không vừa tai, sẽ không bao giờ chịu ngủ. Mà cái tên đó không chịu ngủ thì, rất có khả năng chập tối sẽ khóc quấy vì ngầy ngật. Vì thế cái người có nhiệm vụ đưa em có khả năng sẽ bị ăn đòn. Đành vậy. Chuyện tương lai không ai biết được. Chứ cái khả năng ăn đòn vào chập tối thì rõ như hai năm bằng mười.
Nên chị cứ hát. “Má ơi đừng gả con xa/ Chim kêu vựơn hú biết nhà má đâu” hoặc “Giông đồng lá nhỏ gói chẳng vừa nem/ Bởi anh chậm bước nên em lấy chồng”…Những câu hát buồn buồn.
Bởi vậy, nhiều đêm một mình trên tầng gác lửng của phòng trọ bé tẹo, chị cắn răng trăn trở. Dưới sàn, chị họ và anh rể của chị đang làm cái việc thường tình của đôi vợ chồng son trẻ. Dù họ rất giữ ý nhưng cái bóng đêm đặc quánh kia, cái màn mỏng tang kia làm sao mà ngăn nổi thứ âm thanh lạ lẫm nhưng có thể làm ướt rượt làn da, gợi nên bao nổi khát khao tột cùng trong chị, khi cuộc tình đã đến đỉnh điểm. Chị khóc. Chị giận chị hồi đó không thử nghe lời ngoại. Ở tuổi gần ba mươi, chị đủ biết cái “hư” trong mấy câu ca ngày xưa là như thế nào. Thế nhưng, nói ra thì tủi thân chị lắm: chị_ trong những khi cô đơn tột cùng_ lại ước mình được “hư” một lần như thế. Nhưng không một thằng đàn ông nào ngó ngàng đến con nhỏ có gương mặt gớm ghiếc, lại còn nghèo như chị!
Đúng ra thì chị cũng là người có nhan sắc, trước khi điều không may xảy ra. Cô thôn nữ Phà Ca ở xóm Giồng Lốt có lẽ không lộng lẫy như cô sơn nữ Phà Ca ở miền sơn cước trong vở cải lương lịch sử nọ. Song, sự đầy đặn, múp míp, non tơ của cô gái tuổi đôi mươi_là chị_ ngày đó, cũng dư sức làm điêu đứng bao người. Trong số đó có Thân, anh thầy giáo tương lai và là hàng xóm của chị.
Trong số “vốn tự có” của người con gái tuổi hai mươi, chị tự hào nhất là mái tóc. Chị tự hào không hẳn vì mái tóc đó dài, mượt, đen bóng mà vì, trước khi chia tay sau mỗi cuộc hẹn hò nơi bụi dứa hoang ngoài bờ kênh nổi bao giờ Thân cũng xin được hôn lên tóc chị, xin được ghì tóc chị vào sát mặt để “tối nay mùi thơm ấy giúp tui được ngủ ngon”. Chị tránh nhìn vào mắt Thân, đôi má ửng hồng cúi xuống, tóc chị buông dài,thoang thoảng. Họ trôi miên man trong ngập tràn hạnh phúc. Bao giờ cũng thế!
Vậy nên, mỗi bận đi chà gạo ngoài chợ xã, chị luôn tranh thủ ghé vào hàng tạp hoá tìm mua cục xà bông chanh để ướp thêm hương cho tóc.
Bên chiếc máy bơm công cộng đặt giữa đồng đậu phộng xanh thẳm. Chị nhẹ nhàng cúi người, mái tóc chị hứng trọn ngọn nước từ họng máy phun ra. Chiếc áo mỏng tang thấm nước ôm trọn thân người đầy đặn của chị. Chị nhẹ nhàng xoa xà bông vào tóc, mân mê từng lượt khắp đầu. Thật khoan khoái. Dễ chịu. Nhất là lúc chị nhắm mắt nghĩ đến Thân, nghĩ đến nụ hôn ấm và những lời có cánh của anh. Bỗng một cơn đau buốt xọc thẳng vào chị. Chị thét lên thảm thiết! Át cả tiếng động cơ máy bơm đang quằn quại rung lên vì phải cuốn một vật thể lạ vào cuộn dây co ro bên thân máy.
(Ảnh minh họa: Internet)
Chị tỉnh lại trong một căn phòng xa lạ, nơi đầy rẫy những con người cũng hoàn toàn xa lạ nhưng chung nhau một điểm là không ai lành lặn. Khuôn mặt không còn như trước. Mái tóc dài đã bị cạo trọc, thay vào đó là lớp vải y tế trắng dày. Song, chị vẫn mong gặp Thân. Niềm mong mỏi ấy chị không thực hiện được vì “Nó tình nguyện đi dạy học ở vùng Đồng Tháp Mười, xa lắm”. Mẹ chị quay mặt, đưa tay áo chậm những giọt nước mắt xót cho đứa con gái bất hạnh của mình.
Hai nhà sát nhau. Ngày Thân rước dâu cũng là ngày chị khăn gói theo bà chị họ lên miệt Bình Dương kiếm sống bằng nghề vé số và chiếc xe bán bánh tráng muối dạo.
Nghe nói, vợ Thân là cô giáo. Mái tóc không dài. Nhưng gương mặt lành lặn, không mang tật nguyền như chị.
***
-Trời ơi, hôm qua rau Cần hôm nay cũng rau Cần, bộ Lê định ăn rau Cần thay cơm à?
Nói rồi, chị ngồi xuống phụ tôi lặt rổ rau chùng ngụng tôi mới mang về từ chợ.
Tôi không trả lời câu đùa của chị, nghĩ đến cái tít của một bài báo tôi đọc khá lâu trên tờ báo Tím: “Vì người mà tôi làm vậy”.
Dĩ nhiên, cái “người” được tôi “vì” ở đây không phải là chị. Cô ấy là Diên Anh, bạn gái của tôi.
Diên Anh là người Sài Gòn, sinh viên Kinh Tế. Chúng tôi biết và yêu nhau trong đợt học quân sự hồi đầu năm nhất. Cả hai đều là fan ruột của Murakami Haruki. Một tháng đôi ba lần, Diên Anh xuống chỗ tôi. Chúng tôi nấu ăn, đọc sách, bàn về những chủ đề bất chợt nào đó. Và ngủ với nhau.
Cái điều làm cả tôi và Diên Anh đau đầu nhất là khả năng có em bé là rất lớn. Yêu nhau thật sự, chúng tôi luôn băn khoăn tìm cách nào tránh thai hiệu quả nhất. Giải pháp đầu tiên chúng tôi dùng đến là thuốc ngừa thai. Nhưng nghe đâu, nó có ảnh hưởng không tốt đến sức khoẻ và khả năng sinh nở sau này. Thế là bỏ. Có lẽ bạn đang hỏi tôi sao không dùng bao cao su. Có chứ. Tôi đã thử một lần. Cả hai đều không có hứng thú. Cứ như xài hàng giả. Nực cười hơn nữa, không lẽ đang ngập tràn hạnh phúc, lại: “khoan, để anh Pro-tec-tive” cái đã. Quả là đau đầu!
Một lần Diên Anh đến với bọc rau Cần to tướng cùng cuốn tạp chí dành cho phụ nữ vừa mới ra lò. Cô mở cho tôi xem chuyên trang sức khoẻ với bài viết nói về loại rau phổ biến này. Đại loại là rau Cần có chứa một chất nào đó mà khi ta ăn vào nó có khả năng tiêu diệt tinh trùng trong một khoảng thời gian nhất định. Chẳng biết bài báo đó quá sát với sự thật hay là chúng tôi quá may mắn mà gần 3 năm đi lại với nhau chưa một lần Diên Anh bị dính bầu. Để cho hiệu quả được mĩ mãn, tôi phải nạp rau Cần ít nhất là trong suốt ba ngày trước khi chúng tôi gặp nhau.
Đó là kinh nghiệm của riêng tôi. Bạn đừng nên dại dột áp dụng. Biết đâu bạn không may mắn bằng chúng tôi.
Dĩ nhiên đây là bí mật của tình yêu chúng tôi. Dù thân thích thế nào, tôi cũng không thể tiết lộ cho chị. Nên tôi cứ cười cười đầy ngụ ý trong khi đang cùng chị nhặt nhạnh loại rau hữu ích cho tình dục trước hôn nhân này.
Có tiếng xe máy đỗ ngoài cổng. Là Diên Anh. Chị vui vẻ ra mở cái cổng sắt kêu ken két. Diên Anh cũng vui vẻ không kém khi gặp chị. Dù là gái thành phố, song cô rất thân thiện và hoà đồng, biết nghĩ nhiều đến người khác. Tôi yêu Diên Anh chính vì những điều ấy.
- Chị về. Diên Anh ở chơi vui. Nếu có thể Lê giúp chị với. Chị thật sự rất cần một điểm tựa sau này
Nói rồi, chị vội vã trả không gian lại cho hai đứa tôi. Nhìn chiếc cổ tật nguyền của chị cứ lắc lư sau mỗi bước đi khó nhọc dưới nắng trưa, Diên Anh buột miệng:
- Tội nghiệp, chị ấy con gái mà bị như vậy. Mà tụi con trai đa phần là lũ háo sắc nên…
Rồi Diên Anh day sang tôi, nũng nịu:
- Nếu một ngày Diên Anh cũng như chị ấy, Lê còn thương Diên Anh không?
Tôi giả đò trừng mắt, lôi Diên Anh vào lòng, nói bậy nữa đi, rảnh quá ha, nhanh lên còn diệt tinh binh lần cuối cùng nè bà xã… hihi…
Hôm đó, chúng tôi lại ngủ với nhau. Song, không như mọi hôm, ôm chặt Diên Anh trong tay mà tôi lại nghĩ đến dáng đi khó nhọc, cái cổ dài quá cỡ cứ lắc lư lắc lư dưới nắng và cả lời nhờ vả của chị.
Tôi thương chị. Tình thương của một thằng em dành cho chị gái!
***
Chị mang đến cho tôi lọ thuốc bổ. Của Malaysia. 20 viên, 7chục ngàn. Lê dạo này sao ốm quá vậy. Phải ăn uống cho khoẻ để còn học hành nữa. Anh rể chị lúc trước cũng khó ăn khó ngủ lắm. Uống thuốc này lên ký dù dù.
Tôi bảo năm nay vào chuyên ngành, lại đang mùa thi nên bài vở cũng có phần nặng hơn trước nhưng không sao. Tôi lôi cuốn Streamline ra. Bài 45. Trung bình 2 ngày học xong một bài. Vậy là chị theo tôi học tiếng Anh đã gần 3 tháng. Thật ra, lúc đầu tôi cũng không tin rằng chị có thể học được thứ tiếng này. Chị nói hồi đó chị học rất khá môn tiếng Anh. Hết lớp mười hai, vì nhiều lí do nên không đi học tiếp. Có mấy con nhỏ gần nhà trọ cho chị mượn mấy cuốn sách được dịch từ tiếng Anh rất hay. Chúng như món súp tinh thần giúp cho những người tật nguyền như chị có thêm nghị lực sống. Chị ước có một ngày chị sẽ đọc được bản gốc đàng hoàng, hiểu một cách đàng hoàng. Hơn nữa, mấy lần đẩy xe bánh tráng muối dạo quanh làng đại học, chị gặp rất nhiều người nước ngoài. Thấy chị bị tật, họ không xa lánh mà rất ân cần, xí xô xí xào gì đó, vẻ như quan tâm lắm. Chị muốn nói được tiếng Anh một phần vì họ.
Binh!
Một quả bóng văng vào tường. Thằng cu Tin con chủ nhà trọ khoanh tay “thưa cô Lượm, anh Lê” trước khi cúi xuống nhặt bóng. Nó không còn lắm la lắm lét hay khóc thét lên khi thấy mặt chị như những ngày đầu nữa. Chị ngoắt nó lại, cho hai cây kẹo mút hiệu “chó đái”. Theo chị, một dạo trên tivi giới thiệu loại kẹo này với hình ảnh một cậu bé vì ham mút kẹo đến nỗi một con chó tè vào chân cũng không hay.
Cu tin khoanh tay, cảm ơn cô Lượm, thưa cô Lượm, anh Lê, con đi.
Chị xoa đầu thằng cu Tin, trưa rồi cu Tin ngủ trưa mới mau lớn, mới thành cầu thủ bóng đá giỏi được biết không.
- Nếu điều đó no happen, I sẽ không go away from my house, I sẽ get married và now I also have a child the same him.
Chị nhìn thằng cu Tin chạy lúp xúp dưới nắng, nói một mình như thế.
Có thể chị cố pha trò. Cũng có thể đó là cách chị vẫn dùng để ôn lại từ vựng.
Tôi vờ không bận tâm lắm về câu nói đó. Mắt nhìn ánh nắng trưa trễ tràng xô vào hiên nhà vắng lặng.
Buồn buồn…
***
Như một thói quen. Ngày nào cũng vậy, sau khi đánh một vòng quanh làng đại học Thủ Đức, chị luôn dừng xe bánh tráng muối trước cổng dãy trọ của nhà cu Tin. Chỉ có điều, chị không đủ can đảm bước qua khung cửa sắt khép hờ mà lại đứng tần ngần dưới nắng trưa. Cái cổ dài qúa cỡ cứ lắc lư lắc lư theo từng đợt cảm xúc đang ào ạt trong lòng. Cái miệng rộng toát, đôi bờ môi nhăn nheo khẽ giật, để lộ hai hàm răng vếu váo, khi chị nhẹ nhàng xoa bàn tay vào bụng, nơi có một sinh linh bé nhỏ đang trú ngụ yên bình.
Lúc ấy thì tôi đã dọn đi rồi.
Thế nhưng, liệu tôi có lành lặn ra đi như những lần chuyển nhà trước đó hay một mảnh tim nào đó của tôi đã rụng lại nơi này thì tôi không dám chắc. Dù gì thì tôi cũng chỉ là thằng sinh viên hai mươi mốt tuổi, giàu lòng trắc ẩn và lắm lúc lại rất trẻ con. Mà chị thì lại là người phụ nữ vô cùng đáng thương. Tôi biết khó khăn lắm chị mới có thể nói ra điều ấy. Cái điều mà dù có giàu sức tưởng tượng đến mấy tôi cũng không tin là nó có thể xảy ra:
- Lê, xin em hãy cho chị một đứa con!
Truyện ngắn của: Lê Minh Tú