DANH MỤC

Câu chuyện đèn dầu của người Việt

Lượt xem: 1895 -

Con người tìm ra lửa, tất yếu phải có cách tạo ra lửa và giữ lửa. Đèn dầu là một vật dụng giữ lửa, gắn liền với đời sống sinh hoạt của con người và cũng là biểu hiện cho những giá trị văn hóa độc đáo của một dân tộc. 650 chiếc đèn cổ trưng bày trong Triển lãm “Đèn dầu Việt Nam” tại Nhà truyền thống Tổng Giáo phận TP.HCM như một biên niên sử theo suốt chiều dài lịch sử - văn hóa Việt từ thế kỷ 5 TCN đến trước 1975.

Không gian trưng bày các hiện vật đèn dầu đủ loại qua các thời đại của Việt Nam thực sự khiến khách tham quan phải trầm trồ. Đèn dầu đủ loại, đủ kích cỡ làm bằng đủ các chất liệu, bao gồm: đất nung, đồng, gốm, gỗ, thủy tinh đã mang đến những góc nhìn văn hóa đa diện. Các hiện vật đèn dầu trưng bày tại Triển lãm “Đèn dầu Việt Nam” là của Linh mục Nguyễn Hữu Triết cùng 10 nhà sưu tập khác trên khắp cả nước.

Từ thời Đông Sơn (thế kỷ 5 TCN), đèn lúc này làm bằng đất nung, bấc để trong và khơi lên. Sau này, đèn làm bằng đồng, chân đèn tùy theo tầng lớp trong xã hội mà có kiểu cách khác nhau. Riêng tầng lớp quý tộc, vua chúa, chân đèn thường được chạm trổ rất công phu, đúc nhiều biểu tượng đẹp mắt và phản ánh nhiều giá trị văn hóa đương thời.



Thời Lý (thế kỷ XIII), thời Trần (thế kỷ XIV) những chiếc đèn thường làm bằng đất nung với kiểu dáng, kích cỡ rất phong phú và đa dạng. Trang trí hoa văn cũng rất đẹp mắt và được tráng men đủ màu sắc.


Triển lãm “Đèn dầu Việt Nam” cũng có những chiếc đèn thuộc nền văn hóa Óc Eo, Sa Huỳnh, giúp khách tham quan hiểu thêm về những đặc trưng văn hóa của các nền văn hóa này. Ngoài ra, trải qua nhiều biến thiên của lịch sử, một số hiện vật đèn dầu trong triển lãm còn thể hiện được quá trình giao thoa văn hóa giữa Việt Nam với Ấn Độ, hay với các nước châu Âu./.

Phù Sơn

 

CÁC TIN LIÊN QUAN