DANH MỤC

Cảm Phục Tấm Lòng Của Người Dành Nửa Cuộc Đời Xin Áo Quan Miễn Phí Cho Người Đã Khuất

Lượt xem: 1454 -

Dù vẫn phải chạy ăn từng bữa, nhưng ông Út luôn gác bỏ mọi công việc khi có người gặp khó khăn tìm đến. Hơn 20 năm qua, ông trở thành điểm dừng tin tưởng nhất của những gia đình nghèo khó có người vừa qua đời. Giống như cái tên hẻm Ông Tiên, nơi ông “đóng” tủ thuốc, đặt bình trà đá miễn phí, ông trở thành tiên ông giữa đời thường khi tự nguyện xin áo quan, lo hậu sự cho người đã khuất nghèo khó. Với ông, làm việc thiện như cái nợ với đời phải trả mặc cho nhiều lần bị người đời ruồng rẫy, chửi bới.

20 năm xin áo quan từ thiện

Sau giờ cơm trưa, ông Đỗ Văn Út (54 tuổi, ngụ phường 2, quận Phú Nhuận, TP.HCM) lại “án ngữ” ngay đầu hẻm Ông Tiên (đường Phan Đình Phùng, quận Phú Nhuận, TP.HCM) để chạy xe ôm, bơm, vá xe miễn phí cho người khuyết tật. Với người dân sinh sống ở hẻm Ông Tiên, ông Út từ lâu đã trở thành “tiên ông” giữa đời thường. Hơn 20 năm qua, ông trở thành điểm dừng tin tưởng nhất của những gia đình nghèo khó có người vừa qua đời. Không một chút tư lợi, không một chút mưu tính, ông tự nguyện đi xin áo quan, lo hậu sự cho người đã khuất trong những gia đình nghèo khó.

Ông Út cho biết, ông bắt đầu công việc từ thiện kỳ lạ từ lần có người nhờ làm giấy chứng tử, xin áo quan từ ở Hội người Hoa. Ông nhớ: “Hôm đó, tôi đang ngồi đợi khách trước hẻm thì có người chạy đến nói nhà vừa có người chết rồi nhờ tôi đi làm giúp giấy chứng tử. Vì gia đình khó khăn quá, không thể mua được cái áo quan nên họ nhờ tôi đến Hội người Hoa xin áo quan miễn phí. Thấy họ khó khăn quá, tôi liền gác mọi chuyện lại, chạy đi làm giấy tờ rồi xin áo quan. Ai ngờ tôi xin được thật”.

Sau lần xin ấy, ông trở thành cầu nối giữa trại hòm từ thiện và những gia đình nghèo có người vừa tạ thế lúc nào không biết. “Sau lần xin đầu tiên, những gia đình nghèo trong hẻm mỗi khi có người chết lại chạy đến nhờ tôi xin giúp quan tài. Lúc đầu, tôi cũng bỡ ngỡ lắm nhưng nghĩ người ta quá khó khăn và tin tưởng ở mình nên mới nhờ vả, tôi gật đầu nhận lời. Mỗi lần như thế, tôi đều chạy vạy khắp các trại hòm trong, ngoài TP.HCM để xin. May mắn cho tôi là có những trại hòm rất tử tế và tốt bụng. Nghe tôi trình bày hoàn cảnh của người đã khuất, họ đều đồng ý cho hòm miễn phí”, ông Út nói.

Chạy vạy xin áo quan, không ít lần ông vấp phải khó khăn khi vướng phải những thủ tục rườm rà. Ông cho biết, những ngày đầu đi xin áo quan, ông bắt buộc phải xác minh xem gia cảnh của người chết có thật sự khó khăn hay không. Có giấy xác minh ấy, ông mới được nhận hòm miễn phí. Cứ thế, dần dần, ông trở thành điểm tìm đến cuối cùng của những gia đình nghèo, khó khăn mỗi khi họ có người mất. Ông cho biết: “Thấy tôi chạy khắp nơi xin áo quan, bạn bè mới giới thiệu tôi cho một chủ trại hòm tốt bụng. Người này cũng khó khăn, cũng từ một anh khiêng hòm “đứng lên” thành chủ nhưng lại rất tốt bụng. Mỗi khi có người mất, tôi chỉ việc gọi điện qua xin là họ chở đến tận nơi”.

Sau hơn 20 năm làm công việc từ thiện một cách đặc biệt, ông Út đã xin được gần 300 áo quan cho những gia đình khó khăn. Ông nhớ lại: “Đến giờ, tôi cũng không thể nhớ chính xác đã xin được bao nhiêu áo quan nữa. Tôi chỉ nhớ những trường hợp đặc biệt thôi. Đó là lần tôi xin cho một người bị câm. Ông này ở tận Thanh Hóa vào đây. Không may, ông lại bị xe đụng, mấy ngày sau thì mất. Gia cảnh người này nghèo quá đỗi, không lo nổi tiền ma chay thì lấy đâu tiền mua quan tài. Thấy thế, tôi lại chạy đi xin. Xin xong thuê xe chở xác về Thanh Hóa theo đúng như ước nguyện của ông trước khi nhắm mắt. Một trường hợp khác nữa là đôi vợ chồng trẻ ở mãi An Giang lên đây làm thuê”.

“Không may, sau giờ làm, nửa đêm, anh chồng dẫn vợ đi ăn hũ tiếu gõ thì bị một người say rượu chạy xe đâm trúng. Cô vợ, đầu đập vào lan can bê tông, chấn thương nặng phải mổ mấy lần. Nhưng, đến lần mổ thứ 2 cũng không qua khỏi. Tôi đang ở nhà thì nghe có người từ bệnh viện về nói trên đó có người nghèo lắm, phải đi xin tiền từng người để đưa xác vợ về. Tôi chạy lên thì thấy anh ta cầm vỏ thùng mỳ tôm đi xin từng người trong bệnh viện để có tiền lấy xác vợ. Khi xin được một số tiền, anh ta khóc rưng rức, ở thành phố còn nhiều người tốt quá. Thế nhưng số tiền đó vẫn không đủ, tôi liền gọi điện xin hòm rồi vận động các mạnh thường quân giúp đỡ. Liệm xong, tôi gọi anh lên xe nói đưa vợ về quê chôn cất.Lúc này, anh ta khóc rưng rức nói vợ mất chỉ dám nghĩ xin chút tiền lấy xác ra chứ không dám mơ có quan tài, thuê được xe chở vợ về quên mai táng”, ông Út chia sẻ thêm.

Ảnh 1: Mỗi ngày, ông Út ngồi ở đầu hẻm Ông Tiên lặng thầm với những hoạt động thiện nguyện của mình.

“Tiên ông” của hẻm Ông Tiên

Trên hành trình thiện nguyện theo cách kỳ lạ của mình, mặc dù làm việc tốt nhưng không ít lần ông phải nếm trải trái đắng. Ông cho biết: “Nói chung, kỷ niệm của tôi trong việc đi xin quan tài cho người nghèo vui nhiều hơn buồn. Nhưng nói như vậy, không có nghĩa là không có chuyện buồn. Có một lần tôi bị người ta nói rất nặng. Đó là lần người ở một trung tâm nuôi dưỡng người già neo đơn. Mặc dù chưa có ai mất nhưng họ gọi cho tôi xin hẳn 10 cái áo quan. Tôi nói ở đây chỉ cho khi có người mất và chỉ cho từng cái thôi chứ xin một lúc 10 cái thì không được. Thế là họ nói thẳng vào mặt tôi là để 10 cái áo quan đó cho gia đình tôi dùng luôn đi”.

Một lần khác, ông trực tiếp nhận những lời quát mắng, như tát nước vào mặt của người anh trai người quá cố. “Sau nhiều lần, tôi đi xin áo quan, tôi cũng học lỏm được cách khâm liệm, thành thử mỗi lần cho áo quan, tôi cũng đi theo để khâm liệm cho người chết. Mới đây nhất, tôi xin áo quan cho một người bị HIV qua đời dưới Đồng Nai và cũng theo xuống để khâm liệm. Xong đâu đó thì anh trai người quá cố đi làm về, chửi tôi và nhóm khâm liệm té tát nói là khâm liệm quá sớm mà không cần biết chúng tôi làm đúng theo trình tự thầy cúng”, ông Út nhớ lại. Theo tìm hiểu của PV, nhiều khi, ông còn bị người khác nghi ngờ vụ lợi, toan tính trong việc xin áo quan.

Thế nhưng, sau mỗi lần “làm ơn mắc oán”, ông luôn chọn cách lặng lẽ lắng nghe và cố thực hiện “tôn chỉ” “đã giúp thì giúp đến nơi đến chốn” do mình đặt ra. Hơn 20 năm nay, hành trình thiện nguyện của ông vẫn chưa bao giờ đứt quãng. Hơn thế, theo thời gian, hành trình ấy được mở rộng hơn. Thế nên, tủ thuốc từ thiện, trà đá miễn phí, bơm vá xe miễn phí cho người khuyết tật, … nối tiếp nhau ra đời. Ông kể: “Hằng ngày, ngồi ở đầu hẻm, anh em xe ôm chứng kiến nhiều vụ tai nạn xe cộ. Mỗi khi có tai nạn, chúng tôi đều chạy ra giúp đỡ, sơ cứu, giữ tài sản cho người bị nạn. Nếu họ chỉ xây sát nhẹ, có thể sơ cứu thì sơ cứu nhưng đâu phải lúc nào nhà thuốc cũng mở cửa. Thế là tôi bàn với anh em xe ôm làm hẳn tủ thuốc ngay đầu hẻm”.

Thương những người bán vé số, gánh hàng rong, trẻ đánh giày, … vào quán nước chỉ để mua bịch trà đá ông liền mua bình, mua đá, đun trà làm bình trà đá miễn phí. Ông cho biết: “Chỉ mất vài chục ngàn đồng mua trà, nước, đá lạnh, … mà biết bao nhiều người được uống tôi thấy vui lắm. Nhiều người khó khăn, mỗi ngày làm lụng vất vả chỉ lời được hơn chục ngàn. Nếu phải mua nước uống dọc đường như vậy thì coi như lỗ. Có bình nước miễn phí, tôi xem như san sẻ được với họ phần nào. Cùng phận khổ cực với nhau, giúp nhau được gì thì giúp thôi”. Với suy nghĩ ấy, hàng ngày, ông vẫn đến đầu hẻm Ông Tiên đợi chạy những cuốc xe ôm, châm trà, đá vào bình nước miễn phí, bơm, vá xe miễn phí cho những người khuyết tật. Và, những công việc ấy chỉ tạm dừng khi có người đến tìm ông, xin ông tìm cho người quá cố chiếc quan tài.

Ảnh 2: Gần chục năm nay, bình nước miễn phí của ông luôn là điểm dừng chân của những người cơ cực.

Chính quyền ghi nhận những việc làm ý nghĩa

Ông Tạ Duy Thiện, Chủ tịch UBND phường 2 (quận Phú Nhuận, TP.HCM) cho biết: “Ông Đỗ Văn Út là tấm gương trong việc làm từ thiện ở phường. Từ nhiều năm trước, ngoài những việc làm thiện nguyện ở đầu hẻm, ông Út còn thường xuyên tham gia các hoạt động từ thiện tại phường. Đặc biệt, ông thường xuyên lo hậu sự cho nhiều gia đình khó khăn trên địa bàn phường. Những việc làm của ông đã được phường cùng với thành phố tuyên dương gương người tốt, việc tốt”.

Dẫn theo HÀ NGUYỄN

CÁC TIN LIÊN QUAN