Trên cánh đồng đá nổi những hòn đá với đủ kiểu loại, màu sắc, kích cỡ nằm nổi trên mặt đồng chạy dài cả chục ngàn công đất. Những câu chuyện linh thiêng, huyền bí cũng xuất phát từ muôn kiểu loại đá kỳ lạ này. Từ câu chuyện không ai có thể mạo phạm, đem những phiến đá có hình thù như bàn tay con người đẽo, gọt về nhà đến hàng trăm cuộc đào đất, xới ruộng để săn vàng dưới đáy đồng, … để rồi trở thành người điên kẻ dại, … đã biến đồng đá nổi trở thành địa điểm linh thiêng bậc nhất đất Thoại Sơn.
Huyền bí đồng đá nổi
Cánh đồng đá nổi lọt thỏm giữa vùng đồng không thuộc ấp Phú Tây, xã Phú Thuận, H.Thoại Sơn, An Giang. Những câu chuyện huyền bí đã biến cánh đồng vốn chỉ là vùng đất hoang vu, chơ vơ đá tảng trở thành địa điểm linh thiêng bậc nhất Thoại Sơn. Hằng ngày, dù nắng hay mưa, dòng người vẫn đổ về khu vực này chiêm bái, ngưỡng vọng. Người dân địa phương cho biết, cánh đồng đá nổi nổi tiếng với những câu chuyện bí ẩn từ hơn 70-80 năm về trước. Thời điểm trên, khu vực này chỉ là một vùng đất hoang vu, mặt đất nổi đầy các loại đá to nhỏ, màu sắc khác nhau, tuy nhiên, những câu chuyện kỳ lạ lại bắt đầu từ những phiến đá đặc biệt này.
Ông Văng Công Trạc (45 tuổi, ngụ Ấp Phú Tây, xã Phú Thuận, H. Thoại Sơn, An Giang), Trưởng ban Quý tế miếu Đá Nổi cho biết: “Trước kia, khu vực này là một cánh đồng rộng lớn, mặt đất nổi nhiều loại đá có hình dạng. Ở Thoại Sơn có nhiều đất ruộng nhưng chỉ khu vực này là xuất hiện đá nổi. Các phiến đá ở đây chết sức đặc biệt. Chúng có nhiều hình dạng kỳ lạ, đôi khi như thể được chính con người cố công mài, đẽo, gọt ra vậy. Có viên tròn, có viên dẹp, có viên hình cái ghế mặt ngồi nhẵn bóng, có viên như thể được ai đó tạc ra để kê cột nhà, chân bàn vì nó vuông vức, bốn góc nhẵn thín, đều tăm tắp, có viên hình ngọn đao, lưỡi kiếm, … Kỳ lạ hơn, chúng còn có thể đổi được màu sắc. Các cụ xưa kể lại rằng nhiều cục nằm dưới lớp đất có màu sắc xanh, trắng, đen nhưng đưa chúng lên mặt đất thì thời gian sau biến thành đá màu trắng”.
Bởi có hình thù, màu sắc bắt mắt, không ít lần, những phiến đá được người dân tìm cách đào lên, nhặt về làm vật dụng trong nhà. Tuy nhiên, tai ương bắt đầu rơi xuống gia đình những người đem đá từ đồng về nhà. Ông Văng Hồng, 50 tuổi, ngụ ngụ Ấp Phú Tây, một cán bộ cấp huyện đã về hưu khẳng định: “Năm tôi 14-15 tuổi, tôi vẫn thường thả bò vào đồng đá nổi để chăn. Lúc này, đồng đá đã có cái miễu nhỏ, tiền thân của miếu Đá Nổi bây giờ. Do đi lại nhiều lần nên tôi chứng kiến và nghe nhiều câu chuyện linh thiêng về đồng đá nổi. Việc người lấy đá từ đồng về bị quở dẫn đến bệnh tật, tâm thần, chết là chuyện có thật và từng sảy ra nhiều lần”. Theo ông, trước đây, gia đình ông M.T cũng là người địa phương đi qua đồng thấy có phiến đá hình cái ghế đẩu, mặt nhẵn mịn rất đẹp nên đem về nhà ngồi. Tuy nhiên, được ít hôm, ông đột nhiên lâm bạo bệnh, thuốc thang không khỏi. Được người mách nước, ông soạn lễ, đem phiến đá trả lại vào miếu mới hoàn hồn.
Đáng sợ hơn, ông Trạc nhấn mạnh việc nhiều người mang bệnh, thậm chí gia đình ly tán, vong mạng vì dám lấy đá từ đồng về làm của riêng. “Trước đây vài năm, ngay ấp bên cạnh có hai vợ chồng trẻ cũng đến đồng lấy đá về kê chân lu nước không chịu nghe lời can ngăn. Ai ngờ, ít ngày sau, gia đình gặp đại tang cả cha lẫn ông anh đều lăn ra chết không rõ lý do, đứa con duy nhất cũng bỗng nhiên mắc bệnh tâm thần. Sau đó, cô này mang đá lên trả, đem vào thờ trong miễu ông tà mới yên chuyện”, ông Trạc cho biết. Từ những câu chuyện ly kỳ trên, dân địa phương truyền nhau nghiêm cấm trẻ em, thanh niên trong vùng không được “hỗn” với đá, không được ngồi lên đá, không ai dám tự tiện lấy đá từ đồng về nhà. Khi canh tác, người dân vấp phải đá cũng chỉ dám nhặt đá lên, đem về xếp trước sân, trong khuôn viên miếu Đá Nổi.
Kho vàng khổng lồ
Cũng theo ông Hồng, đồng đá nổi một thời không chỉ thu hút giới săn đá cảnh mà còn hấp dẫn cả những kẻ săn vàng. Câu chuyện cục vàng to như quả trứng liên tục lăn vào tay bà Bảy, người có công khai hoang, dựng miếu Đá Nổi từ thuở sơ khai đã gắn liền với sự linh thiêng, kỳ bí của mảnh đất này. Ông Hồng kể: “Người xưa truyền lại rằng, đầu tiên đồng đá nổi chỉ có ông bà Bảy sinh sống. Hai người này vốn là đạo sĩ từng tu ở núi Cấm, nhưng được bề trên truyền mệnh bảo về giữa đồng đá nổi này lập am để tu. Ban đầu, ông bà cùng với một con chó chỉ dựng chòi lá làm miếu để thờ. Khi bà Bảy ra đồng hái rau sống qua ngày thì cục vàng như quả trứng vịt cứ lăn vào tay bà. Mặc cho bà tránh, không nhặt viên đá cứ tìm hướng tay bà lăn đến. Biết không tránh được, bà đem cục vàng đó vào miếu, đặt lên bệ thờ để thờ”. Sau câu chuyện nửa thực nửa hư trên, người dân lại rộ lên việc người dân mò cua, bắt ốc trong con kênh gần miếu “bị” vàng mắc vào tay.
Từ những câu chuyện trên, những kẻ săn vàng theo chân người dân địa phương kéo về về đồng đá nổi để đào vàng. Ông Hồng cho biết, khắp một vùng đồng đá nổi, những kẻ săn vàng lật tung đất tìm vàng. “Thời điểm đó, người ta kéo về đồng đào vàng nhiều lắm. Có người đào được vàng lá, vàng tép, vàng được làm thành các món đồ trang sức, vàng hình quả trứng, ... Tôi nhớ khoảng năm 1982, người ta đào sâu xuống đến tận 2m đất ruộng và lấy được vàng ròng cùng nhiều đồ cổ như bình tích, đồ gốm, … Sau này, khoảng năm 1985, nhà nước mới có cuộc khai quật để nghiên cứu. Tôi nhớ không nhầm thì, lần khai quật này, các nhà khảo cổ cũng tìm thấy các vật bằng vàng, văn tự cổ, xương thú, nanh heo, ngà voi, … Nghe họ nói rất có thể đất này ngày trước từng là thành quách của vua chúa nào đó. Bây giờ, một số hiện vật được khai quật ở đây vẫn đang được trưng bày ở Bảo tàng tỉnh”.
Cũng theo ông Hồng, hiện nay, đá nổi đã không còn vì người dân lấy đất để canh tác. Tuy nhiên, những câu chuyện huyền bí không vì thế mà lắng xuống. Ông cho biết: “Do cần đất để canh tác, người dân đều tìm cách lấy đất lấp đá để làm ruộng, những phiến đá có thể xê dịch được, người dân cũng không dám đem đi chỗ khác mà gom lại, xếp vào khuôn viên miếu. Do vậy, bây giờ, đồng đá nổi đã không còn như trước nhưng những chuyện bí ẩn vẫn thường xuyên sảy ra. Một trong số đó là chuyện khó lý giải về việc chúng tôi nạo vét ao sen mà không trúng đá. Trước đây, dưới lòng ao sen toàn là đá tảng, xung quanh miếu cũng toàn đá nhưng vừa rồi, những người trong miếu thực hiện nạo vét ao sen lại không đụng trúng một viên đá nào. Hơn nữa, khi đào giếng trên cánh đồng được người dân đắp đất lên đá để canh tác cũng không vướng đá, trong khi đó, lúc cày ruộng, người dân vấp trúng là chuyện thường ngày”.
Hơn thế, những câu chuyện chưa có lời giải như việc nhiều người dùng sức kéo của trâu bò nhưng không thể lay chuyển, di dời được một tảng đó chưa đầy một người ôm. Tuy nhiên, sau khi vào miếu làm lễ, khấn xin, chỉ hai người thôi cũng có thể đưa phiến đá về xếp giữa khuôn viên miếu. Do đó, sau những câu chuyện ly kỳ, khó giải thích, mặc dù cánh đồng đá nổi vang tiếng một thời đã không còn thấy đá, người dân nơi đây vẫn tin tưởng tuyệt đối vào sự linh thiêng của đất này. Những phiến đá to, nhỏ, hình thù từ kỳ dị đến quen thuộc đến bất ngờ vẫn được người dân cung kính xếp vào những cái miếu nhỏ trong miếu Đá Nổi, để nhang khói, thể hiện lòng ngưỡng vọng, chiêm bái.
Theo HÀ NGUYỄN