DANH MỤC

Bác sĩ Đinh Văn Thủy-“Khắc tinh” của những đôi chân ngắn

Lượt xem: 4868 -

Phía sau giấc mơ sở hữu đôi chân dài miên man, không dị tật bằng phẫu thuật thẩm mỹ kéo dài chân, khách hàng phải đối mặt với những đớn đau, biến chứng kinh hoàng. Những trăn trở nhằm thay đổi, giảm thiểu các biến chứng trong phẫu thuật kéo dài chân luôn thường trực trong tâm trí bác sĩ Đinh Văn Thủy. Ông quyết bỏ thời gian để tìm hiểu, ứng dụng kỹ thuật kéo dài chân của nước ngoài. Ngoài ra, ông còn tích lũy thêm kinh nghiệm, tự mày mò, sáng chế “đồ nghề” phù hợp với thể trạng của người Việt Nam. Suốt 15 năm qua, ông giúp người tai nạn gãy thoát cảnh tàn phế, hiện thực hóa giấc mơ chân dài, tạo chiều cao lý tưởng cho rất nhiều phụ nữ.

Bác sĩ của những đôi chân dài

Sau hơn 15 năm trực tiếp phẫu thuật, kéo dài chân cho nhiều phụ nữ, bác sĩ Đinh Văn Thủy, Trưởng khoa Chấn thương chỉnh hình Bệnh viện Nhân dân Gia Định, (Q. Bình Thạnh, TP.HCM) vẫn trăn trở việc phái đẹp sử dụng kỹ thuật kéo dài chân một cách thiếu khoa học. Ông cho biết, hiện nay, ước mơ được có chiều cao lý tưởng, sở hữu đôi chân dài miên man khiến nhiều phụ nữ sử dụng kỹ thuật kéo dài chân một cách ồ ạt. Từ sự đại trà, sử dụng thiếu khoa học ấy, khách hàng không chỉ không có được đôi chân đẹp mà còn đối mặt với những biến chứng khó lường.

“Nếu như trước đây, phương pháp kéo dài chi chủ yếu được áp dụng trong y học. Phương pháp này giúp cân bằng chi thể cho những người bị dị tật chân ngắn chân cao, nâng chiều cao cho những người có chiều cao khiêm tốn. Tuy nhiên, hiện nay, nhiều người lại lạm dụng, có xu hướng muốn biến nó thành một kỹ thuật trong phẫu thuật thẩm mỹ. Nhiều người tìm đến chúng tôi vì thấy mình thấp quá, muốn kéo chân để cao thêm. Nhưng cũng có người chỉ muốn mình có chân dài như người mẫu để trông hấp dẫn hơn, đẹp hơn, … mà không biết rằng phía sau việc kéo dài chân còn phải xét đến nhiều yếu tố”, bác sĩ Thủy tâm sự.

Chân dung Bác sĩ Đinh Văn Thủy (ảnh NVCC)

Bác sĩ Thủy cho biết, trong suốt 15 năm, sử dụng phương pháp kéo dài chi, ông tiếp nhận, kéo dài chân cho hơn 30 trường hợp làm đẹp bằng nguyên lý Ilizarov (kỹ thuật kéo dài xương, dùng trong phẫu thuật chỉnh hình). Bằng nguyên lý Ilizarov, độ dài mà ông kéo được để làm đẹp cho phụ nữ lên đến 10cm. Ông cho biết: “Dù khả năng thực hiện là hết sức an toàn nhưng không phải vì thế mà ai tìm đến để kéo chân làm đẹp tôi cũng nhận. “Tôi luôn quan niệm rõ ràng rằng các bộ phận trên cơ thể người phải hài hòa. Do đó, chân được kéo dài phải cân bằng với khuôn mặt, không thể để khuôn mặt ngắn mà chân quá dài hoặc để cẳng chân quá dài so với đùi, … Như vậy sẽ đánh mất sự hài hòa cho cơ thể, thiếu thậm mỹ”.

Quan điểm ấy khiến ông luôn quan sát, đưa ra những lời tư vấn tự đáy lòng mỗi khi khách hàng là phái đẹp, có ý định kéo dài chân để “trông hấp dẫn hơn”. Bác sĩ Thủy cho biết: “Là bác sĩ  của khoa chấn thương chỉnh hình, phần lớn, tôi điều trị các trường hợp bệnh nhân bị tai nạn mất phần mềm, mất xương và nhiễm trùng nặng. Tuy nhiên, hiện nay, hằng ngày tôi vẫn nhận được rất nhiều thư cũng như các trường hợp bệnh nhân tìm đến bệnh viện để kéo dài chân làm đẹp. Đa số là phụ nữ và ở những độ tuổi khác nhau với nhiều nguyên nhân khác nhau. Thậm chí có nhiều chị em đã ở tuổi 50”.

“Đối với những trường hợp đến bệnh viện, kéo dài chân để làm đẹp, tôi luôn tư vấn trước và hạn chế phẫu thuật. Ví dụ như trường hợp cô gái 18 tuổi, cao 1.56m đến bệnh viện xin kéo dài chân thêm 7cm để được đẹp hơn tôi buộc phải từ chối. Tôi nhận thấy việc kéo dài chân đối với cô gái là không cần thiết, thậm chí làm mất cân bằng cơ thể và thuyết phục cô ấy từ bỏ ý định. Tuy nhiên, đối với những trường hợp chị em có chiều cao quá khiêm tốn, muốn cải thiện chiều cao để phục vụ công việc, học tập, tôi đều tư vấn cặn kẽ trước khi quyết định phẫu thuật”, bác sĩ Thủy cho biết thêm.

“Khắc tinh” của di chứng khớp giả nhiễm trùng

Sau hơn 15 năm áp dụng phương pháp kéo dài chi, niềm vui lớn nhất của bác sĩ Đinh Văn thủy là chữa trị thành công di chứng do gẫy xương có vết thương đi kèm. Bác sĩ Thủy nhận định: “Hiện nay, kỹ thuật Ilizarov được phát triển tại hầu hết các nước phát triển và đang phát triển trên toàn thế giới. Phương pháp này đang được lựa chọn hàng đầu khi điều trị khớp giả (ổ gãy thân xương dài không liền sau gấp đôi thời gian liền xương bình thường –PV) nhiễm trùng ở chi. Tại Việt Nam tai nạn gây ra gẫy xương, trong đó tỷ lệ gẫy xương có vết thương đi kèm (gẫy xương hở) còn rất cao. Những  trường hợp như trên để lại nhiều di chứng nặng nề, ảnh hưởng không nhỏ tới kinh tế và các yếu tố xã hội khác”.

“Một số bệnh viện lớn có chuyên ngành chấn thương chỉnh hình đã áp dụng kỹ thuật này và thu được những kết quả rất tốt. Tôi luôn có những qua tâm đặc biệt đến việc giảm thiểu các di chứng trên bệnh nhân bị gẫy xương. Do đó, tôi tiếp thu kinh nghiệm, sự khích lệ của các thầy, các đồng nghiệp đàn anh như Cố GS Nguyễn Văn Nhân, GS Nguyễn Quang Long, BS Nguyễn Văn Quang, BS Lê Đức Tố ...., tự nghiên cứu, trao đổ trực tiếp với các đồng nghiệp trong và ngoài nước để rút ra kinh nghiệm.  Sau nhiều năm, tôi vững tin áp dụng kỹ thuật này cho nhiều bệnh nhân trong nước và đã thành công tốt đẹp”, bác sĩ Thủy cho biết thêm.

Khung khéo dài xương do chính tay bác sĩ Thủy sáng chế (Ảnh: Nhân vật cung cấp)

Áp dụng phương pháp Ilizarov từ những thập niên 90 của thế kỷ trước với hàng trăm bệnh nhân, bác sĩ Thủy được đồng nghiệp nhận định là “khắc tinh” của di chứng khớp giả nhiễm trùng có mất đoạn xương, ngắn chân gây mất cân đối hai chân, chân cong vẹo ...  Ông nhận định, trong chấn thương chỉnh hình có 3 trường hợp rất quan trọng là mất phần mềm, mất xương và nhiễm trùng nặng. Chỉ có phương pháp kéo dài xương mới có thể xử lý được cả 3 trường hợp trên. Và chữa trị những di chứng này là miềm đang mê lớn nhất trong đời của ông.

Ông nhớ lại: “Những trường hợp bị tai nạn gãy mất xương, nhất là những trường hợp mất cả đoạn xương dài 15-20cm, chỉ có kéo dài xương mới có thể phục hồi lại hình thể của xương một cách bình thường. Tôi ấn tượng nhất là những người bệnh bị nhiễm trùng, mất đoạn xương lớn. Đối với các trường hợp như vậy, tưởng chừng bệnh nhân không thể cứu vãn. Thế nhưng, sau điều trị bằng kỹ thuật trên, người bệnh khỏi hoàn toàn, có thể lao động, hòa nhập xã hội”. Ông cho biết, ca bệnh ấn tượng nhất là trường hợp anh T. bị gãy xương đùi phải đến 3-4 khúc, nhiễm trùng nặng. Bệnh viện địa phương và nhiều bệnh viện khác chỉ định cắt cụt.

Không chấp nhận nổi cảnh mất hẳn một chân, T. được gia đình đưa đến bệnh viện Nhân dân Gia Định, tìm gặp bác sĩ Thủy. Tại đây, sau khi thăm khám, ông nhận định có thể sử dụng phương pháp kéo dài chi để giữ lại chân cho T. Ông nhớ lại: “Khi đến gặp tôi, xương đùi của bệnh nhân T. mất đến 15cm, nhiễm trùng nặng có thể hoại tử. Nhiều đồng nghiệp chỉ định cắt bỏ chân. Tuy nhiên, sau khi cùng các đồng nghiệp cắt lọc những mô xương chết, tôi thấy dinh dưỡng ở phần còn lại của chân tương đối tốt. Tôi quyết định sử dụng khung kéo dài xương để kéo dài phần xương này để nối lại”.

Chữa trị những di chứng do gãy xương là miềm đang mê lớn nhất trong bác sĩ Thủy (Ảnh: Hà Nguyễn)

Thật kỳ diệu, anh T. lại có một chiếc đùi phải thẳng tắp sau khi, bác sĩ Thủy ráp chiếc khung kéo dài xương do ông tự mày mò, sáng chế. Đáng tự hào hơn, T. không chỉ có thể đi lại bình thường mà còn tham gia chơi được một số môn thể thao mà anh ưa thích. Sau ca khó trên, chiếc khung kéo dài xương “Made in Việt Nam” do chính tay ông sáng chế liên tục được sử dụng trong sửa chữa các di chứng cũng như kéo dài chân với mục đích thẩm mỹ.

  “Trong nhiều năm gần đây, phẫu thuật kéo dài chân với mục đích thẫm mỹ ở Việt Nam đã phổ biến hơn. Tuy nhiên, ở một khía cạnh nào đó, kéo dài chân vẫn bị đánh giá là phẫu thuật có nguy cơ rủi ro cao từ các biến chứng chết người của nó. Do đó, kỹ thuật này phải được thực hiện tại bệnh viện có trang bị kỹ thuật tốt và thầy thuốc chuyên khoa lành nghề để tránh các biến chứng nguy hiểm từ phẫu thuật” -Bác sĩ Đinh Văn Thủy, Trưởng khoa Chấn thương chỉnh hình Bệnh viện Nhân dân Gia Định (Q. Bình Thạnh, TP.HCM).

Dẫn theo HÀ NGUYỄN HERI

CÁC TIN LIÊN QUAN