DANH MỤC

“Lời ru của mẹ” qua 5 ngôn ngữ của nghệ sĩ Minh Hiền

Lượt xem: 1754 -

Sáng ngày 07/9, trong không gian ấm cúng, gần gũi của Áo Dài Exhibiton (Quận 1, TPHCM), những lời hát ru tình cảm và nồng ấm của nghệ sĩ Cao Minh Hiền qua chương trình “Lời ru của mẹ” đã đưa người nghe như trở về thuở ấu thơ, đang thưởng thức lại lời ru, điệu hát của người bà, người mẹ rồi trôi vào những kỉ niệm tuổi ấu thơ. Sự kiện “Lời Ru Của Mẹ” được Hội Di sản Văn Hóa TP.HCM phối hợp với Bảo Tàng Áo Dài được tổ chức. 

Đặc biệt, nghệ sĩ Minh Hiền đã thể hiện những bài hát ru qua 5 ngôn ngữ của các dân tộc Việt Nam gồm: Thái, Cao Lan, Mông, Tày và Việt, bởi mỗi dân tộc trên đất nước đều có những làn điệu hát ru riêng.

Khi thể hiện lời ru của mỗi dân tộc, nghệ sĩ Minh Hiền vừa khoác lên người những bộ trang phục đặc trưng của dân tộc ấy, cũng chính là cách giới thiệu đến khán giả hiểu biết thêm về văn hóa của mỗi dân tộc. Trong ảnh: nữ nghệ sĩ Minh Hiền trong trang phục truyền thống của dân tộc Tày vừa hát ru bằng tiếng Tày.

Hát ru là một loại hình nghệ thuật truyền khẩu từ có từ xa xưa, từ ông bà truyền cho cha mẹ, từ cha mẹ sang con cháu, từ đời này qua đời khác. Hát ru không chỉ là những lời ru êm dịu để con dễ vào giấc ngủ mà qua những vần thơ hay, những lời răn dạy nhẹ nhàng, dễ tiếp thu được lồng vào đó nhằm giáo dục con cái ngày từ lúc còn nằm nôi. 

Những lời ru tình cảm, ấm nồng của nghệ sĩ Minh Hiền, kết hợp với hoạt cảnh tái hiện người mẹ ngồi cạnh võng vừa hát ru vừa quạt mát cho con ngủ, hay vừa ôm con vào lòng vừa hát ru cùng với tiếng nhạc đệm từ những nhạc cụ dân tộc, đã gợi lại cho người xem những cảm giác rất đỗi thân thuộc, những kỉ niệm thuở ấu thơ mà hầu hết ai cũng trải qua.

Nữ nghệ sĩ Minh Hiền sinh năm 1953 tại Thanh Hóa, với tình cảm đặc biệt với những lời hát ru, cô vừa có công sưu tầm và vừa có khả năng biểu diễn đa dạng tiếng hát ru của các dân tộc một cách thuần thục, cảm xúc.

Từ đầu năm 2017, nữ nghệ sĩ đã thực hiện những chuyến đi ở khắp các tỉnh thành phía Bắc, với mong muốn tiếp xúc, giao lưu hát ru với các dân tộc ở địa phương, đồng thời sưu tầm, ghi lại những làn điệu hát ru của mỗi dân tộc.

Ngoài phần biểu diễn hát ru bằng 5 thứ tiếng của nghệ sĩ Minh Hiền, buổi giao lưu còn có phần giao lưu các tiết mục văn nghệ, Đờn ca tài tử, giao lưu với khán giả… đến từ các câu lạc bộ văn nghệ trong Thành phố.

Có mặt tại buổi giao lưu, họa sỹ Sĩ Hoàng băn khoăn rằng, với thời đại công nghệ bùng nổ như hiện nay và giới trẻ đang chạy theo những trào lưu, xu hướng mới, thì những lời ru tiếng hát ngọt ngào của thể loại hát ru có còn được các bạn trẻ biết đến? Và ông cũng mong rằng chương trình này sẽ có sức làn tỏa, góp phần khơi lại những lời hát ru đã có trong tâm trí của mỗi người, để góp phần cùng nhau gìn giữ một nét đẹp của dân tộc, cũng chính là góp phần nuôi dưỡng tâm hồn của mỗi con người chúng ta.

Bà Lê Tú Cẩm – Hội trưởng Hội Di sản văn hóa Việt Nam chia sẻ: Đứng trước nguy cơ những giá trị văn hóa dân tộc (trong đó có hát ru) ngày càng bị mai một, thì một chương trình nhỏ hôm nay nhưng mang lại ý nghĩa rất lớn, đã đốt lại ngọn lửa trong chúng ta. Và từ chúng ta sẽ làn tỏa ra nhiều người, để cùng nhau chung tay gìn giữ di sản hát ru này.

Bà Tú Cẩm cũng gợi ý đến mọi người, đặc biệt các cá nhân, nhóm, câu lạc bộ, tổ chức hoạt động về lĩnh vực văn hóa, có thể từ chương trình này sẽ tiến tới tổ chức các liên hoan, các buổi sinh hoạt hát ru, đây sẽ là những hoạt động thiết thực nhất để gìn giữ và phát huy bộ môn nghệ thuật này./.

Phong Sơn

CÁC TIN LIÊN QUAN